Hợp tác tạo đa giá trị

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Năm 2021, khi bùng phát đại dịch COVID-19, hàng triệu người từ thành thị trở về nông thôn cho thấy ở nước ta, nông nghiệp (trong đó có thủy sản) không chỉ là trụ đỡ của nền kinh tế mà còn là thước đo sự bền vững của quốc gia. Nông nghiệp – nông dân – nông thôn đang đặt ra những vấn đề cần tiếp cận khác so với trước đây.

Trước đây, nông nghiệp và nông thôn tự hào đóng góp lao động cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng nay, nông nghiệp – nông dân – nông thôn là một cấu trúc kinh tế – xã hội phát triển bền vững.

Cùng với nông nghiệp, thủy sản nước ta đang chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, đa giá trị. Chỉ nhìn công tác khuyến nông và khuyến ngư đã thấy, phải chuyển từ chủ yếu là chuyển giao kỹ thuật sang xây dựng hệ thống bền vững.

Ngành thủy sản nước ta đang chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, đa giá trị. Ảnh: LHV

Tiến sĩ Nguyễn Viết Khoa ở Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trên thế giới, công tác khuyến nông và khuyến ngư có nhiều kiểu với nhiều cách gọi, cách làm nhưng đều chung mục đích “đồng hành vì sự thịnh vượng của nông dân”. Ở nước ta, từ xưa khuyến nông, khuyến ngư là động viên nông dân chăm chỉ sản xuất, tăng sản lượng. Ngày nay, nông nghiệp và ngư nghiệp tái cơ cấu để phát triển dựa vào 3 trụ cột: Tăng giá trị, sinh kế bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường. Phục vụ mục tiêu đó, nhà nước đưa kết quả nghiên cứu đến với nông dân, tư nhân dựa vào doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào có chất lượng và bao tiêu sản phẩm đầu ra để khuyến khích sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhắn nhủ: “Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm trong mọi hoạt động của ngành nông nghiệp”. Theo đó, công tác khuyến nông và khuyến ngư cần xoay quanh người nông dân.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nông nghiệp và ngư nghiệp bây giờ cần khuyến khích tinh thần hợp tác; chú trọng yếu tố tổ chức cuộc sống cộng đồng; khơi gợi sáng kiến từ nông dân; từng bước điều chỉnh cách thức tiếp cận theo hướng đa chức năng, đa mục tiêu, đa giá trị. Nuôi trồng thủy sản là xây dựng một hệ sinh thái đa dạng, kết hợp nhiều loài thủy sản và còn có thể kết hợp với nhiều cây trồng, kết hợp với du lịch… Đó thực sự phải là một niềm đam mê góp phần phát triển đất nước, tạo hứng thú cho cả sinh viên còn trong trường đại học.

“Lấy dẫn chứng từ việc trồng lúa, nuôi tôm ở ĐBSCL có thể đưa vào nhiều lĩnh vực mới như khoa học, công nghệ thông tin để cung cấp tri thức, nuôi dưỡng khát vọng cho sinh viên”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nói. Cùng suy nghĩ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trong cuộc họp với Bộ NN&PTNT ngày 14/11/2021 đã bày tỏ: “Đến một ngày nào đó, có lẽ chúng ta sẽ không thể phân biệt được nông nghiệp và công nghiệp, nhất là những ngành nông nghiệp công nghệ cao, ngành nuôi trồng thủy sản”.

Nông nghiệp và ngư nghiệp luôn có phương châm: Thay đổi nhỏ, kết quả lớn. Mỗi thay đổi nhỏ ở từng người nông dân sẽ lan tỏa họ hàng, láng giềng, cộng đồng dân cư. Người nông dân sản xuất thời nay không còn “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm” mà mở rộng tư duy hợp tác xóm ấp, làng xã để tạo ra giá trị lớn. Nay cũng như xưa, mỗi thay đổi đều khó khăn và phải trả giá. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý, mọi người thường trăn trở về cái giá phải trả khi thay đổi, chứ ít khi để tâm đến cái giá phải trả khi không thay đổi. Mà thay đổi theo nhịp thời đại, phát triển hợp tác để tạo ra đa giá trị chắc chắn lợi nhiều hơn hại, đặc biệt với ngành kinh tế thủy sản đã bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!