Hướng bền vững cho nghề nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Hội nghị lúa – tôm ĐBSCL lần thứ ba, do Bộ NN&PTNT cùng tỉnh Sóc Trăng tổ chức tháng 9 vừa qua, một lần nữa khẳng định vai trò và tính bền vững của mô hình tôm – lúa.

“Hai trong một”

Ở ĐBSCL, mô hình “con tôm – cây lúa” bắt đầu từ sớm, khi nghề nuôi tôm ở nước ta mới manh nha. Hiện nay, khi nghề nuôi tôm nước ta đang gặp khó khăn thì mô hình này càng hứa hẹn hiệu quả. Sau nhiều năm nuôi tôm, lượng chất thải, hóa chất lắng tụ trong ao đã khiến ao nuôi tôm dần trở thành “nghĩa địa” đối với tôm nhưng lại là miền đất màu mỡ với lúa. Vì vậy, trồng lúa trên đất nuôi tôm là biện pháp cải tạo ao tôm an toàn, hiệu quả nhất; cải tạo ao mà không cần dùng loại thuốc hay hóa chất nào, điều mà nghề nuôi tôm vẫn mong muốn. Nguyên lý này thật đơn giản, nhưng lợi ích và giá trị của nó thì không nhỏ, bởi con tôm được nuôi trên đất lúa sẽ ít bệnh tật, lớn nhanh; cây lúa trồng trên đất nuôi tôm sẽ ít cần phân bón, hóa chất, chất lượng gạo ngon hơn, năng suất khá ổn định. Mô hình “tôm – lúa” không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế kép cho người dân mà còn được đánh giá là một mô hình “nông nghiệp thông minh”, một “kịch bản” tốt để ứng phó biến đổi khí hậu khi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Cùng đó, sản phẩm từ mô hình “tôm – lúa” sẽ làm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, khi sự cạnh tranh ngày càng lớn và những đòi hỏi khắt khe từ thị trường, trong đó hướng tới những sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình tôm – lúa đang phát triển mạnh ở ĐBSCL – Ảnh: Phan Thanh

 

Lợi ích dài lâu

Đó là một trong những vấn đề cần đặt ra đối với mô hình tôm – lúa, bởi có một thực tế luôn đúng là: giá trị con tôm mang lại luôn lớn hơn cây lúa, thậm chí nhiều lần.

Theo các nhà khoa học, do thời gian nuôi tôm quá dài, việc sử dụng nước mặn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cây lúa, nhất là khi nuôi nhiều vụ tôm/năm. Đây không chỉ là thách thức về kỹ thuật mà còn liên quan vấn đề làm sao phát triển bền vững mô hình này. Xa hơn, đó là những vấn đề về đầu tư lâu dài cho vùng nuôi tôm – lúa, những vùng vốn được coi là vùng trũng về đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, chính sách… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu để tạo ra tôm giống chất lượng tốt, phát triển nhanh, những giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, để cây lúa không bị lép vế bên con tôm, nghề trồng lúa không bị coi là nghề phụ, bởi tổng lợi nhuận từ mô hình “tôm – lúa” trung bình 26 – 34 triệu đồng/ha nhưng lợi nhuận từ tôm 23 – 27 triệu đồng, còn lại là lúa 3 – 7 triệu đồng/ha.

>> Hiện nay, mô hình nuôi tôm – lúa ở nước ta có khoảng 160.000 ha, tập trung ở các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Trong đó, Kiên Giang có diện tích nhiều nhất với 60.000 ha, Long An ít nhất với khoảng 500 ha.

Thanh Thủy

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!