Hướng đến sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nông nghiệp được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế nước ta, tuy nhiên, hiện nay tốc độ phát triển của ngành hàng này vẫn chưa đạt như kỳ vọng, thiếu bền vững và dễ chịu tổn thương, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt.

Đương đầu 3 thách thức lớn

Trong một báo cáo của ngành nông nghiệp nhấn mạnh, trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp liên tục đạt trung bình từ 2,8 – 3%/năm. Hàng năm, Việt Nam sản xuất được khoảng gần 50 triệu tấn lương thực; 5,8 triệu tấn thủy sản; gần 20 triệu m3 gỗ rừng trồng và giá trị lớn về cây công nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, trong bối cảnh hiện nay, ngành hàng này phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn, đó là sản xuất ở quy mô hộ nhỏ lẻ, tác động của biến đổi khí hậu và sự hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Đây là nút thắt rất lớn để ngành nông nghiệp phát triển được như mục tiêu mà Đảng và Chính phủ đặt ra cũng như tiềm năng của ngành hàng này. Trong khi đó, với việc là một trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất của biến đổi khí hậu xảy ra trên cả 7 vùng kinh tế – xã hội sẽ khiến cho nhiều chương trình, kế hoạch của ngành hàng quan trọng này có thể không đạt được như mục tiêu đặt ra.

Để giải quyết bài toán này, ngành nông nghiệp cần phải triệt để khắc phục được các nút thắt này và hướng đến phát triển bền vững. Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành tại Quyết định số 150/QĐ-TTg hồi đầu năm đã nhấn mạnh đến nhiều yếu tố để xây dựng nền nông nghiệp thông minh và thân thiện với môi trường.  

Xây dựng nông nghiệp thân thiện

Một trong những quan điểm mà Chiến lược này đưa ra là hướng đến sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả, bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dựa theo quan điểm đó, một trong những mục tiêu mà Chiến lược đặt ra là đến năm 2030, phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 1% so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1 triệu ha. Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3 – 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Và đến năm 2050, phấn đấu Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. 

Cùng đó, từng bước giảm dần sức ép của phát triển kinh tế – xã hội với môi trường bằng các giải pháp như: chấm dứt lạm dụng hóa chất, nguyên vật liệu tổng hợp, khó phân hủy; tạo điều kiện tái tạo các nguồn tài nguyên cơ bản như đất, nước, năng lượng; đẩy mạnh chế biến sâu, tận dụng phụ phẩm nông sản để chủ động xử lý ô nhiễm ngay tại nguồn. Thường xuyên khảo sát, đánh giá trữ lượng tài nguyên sinh học trên biển để điều tiết năng lực đánh bắt; xác định các giải pháp điều tiết xâm nhập mặn ở cửa sông, cửa biển theo nguyên tắc “Không hối tiếc” để duy trì cân đối sinh thái sông – biển, đảm bảo khả năng tái tạo đa dạng sinh học và duy trì năng lực tự làm sạch ô nhiễm của tự nhiên. Còn với ngành thủy sản, mục tiêu là sẽ ứng dụng công nghệ hướng đến tái tạo nước thải nuôi trồng, chế biến thủy sản, giảm sức ép lên môi trường. 

Bên cạnh đó, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu bằng cách áp dụng các biện pháp canh tác thích nghi (phát triển nuôi trồng thủy sản ở những vùng nước biển dâng, xâm nhập mặn; chuyển sang trồng hoa màu và cây trồng cạn ở những nơi giảm lượng mưa…); áp dụng rộng rãi các biện pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường (làm đất tối thiểu, bón phân và phun thuốc thông minh, tưới tiết kiệm nước, chăn nuôi tiết kiệm nước, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chống chịu…). Tăng cường sử dụng nguyên liệu vi sinh hoặc hữu cơ, áp dụng kỹ thuật thông minh, kinh tế tuần hoàn để tiết kiệm đầu vào, phát triển mạnh tiềm năng sản xuất năng lượng tái tạo kết hợp nông nghiệp để giảm bớt nguyên liệu hóa thạch, giảm phát thải carbon. Tăng cường trồng rừng, phát triển các cây lâu năm có sinh khối lớn trên bờ và phát triển nuôi trồng các loại rong tảo trên biển để hấp thụ bớt carbon.

Để đạt được những mục tiêu này, một trong những giải pháp chính phát triển nông nghiệp bền vững là đảm bảo cơ hội phát triển cho các thế hệ tương lai, khả năng thích ứng và chống chịu biến động, cân đối, hài hòa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế, tái tạo nguyên liệu, năng lượng… trong sản xuất. Còn đối với phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái là áp dụng các quy trình sản xuất thân thiện môi trường, bảo vệ cảnh quan; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư và tài nguyên đầu vào, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, sức khỏe, sức khỏe con người; tôn trọng và vận dụng các quy luật tự nhiên để phát triển nông nghiệp thân thiện, đa dạng.

>> Mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đến năm 2030: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động 5,5 - 6%/năm và tốc độ giá trị xuất khẩu từ 5 - 6%/năm.  

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!