Với sự quan tâm từ Bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN), Sở KH-CN, năm 2012, huyện Hồng Dân được đầu tư nguồn kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng từ Chương trình Nông thôn miền núi để thực hiện dự án xây dựng các mô hình sản xuất thủy sản nước ngọt trên vùng đất nhiễm phèn mặn (do Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao khoa học công nghệ huyện Hồng Dân chủ trì). Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào việc nâng cao đời sống của người dân…
Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao khoa học công nghệ huyện Hồng Dân đã phối hợp với cơ quan chuyển giao công nghệ là Khoa Thủy sản (trường Đại học Cần Thơ) triển khai thực hiện dự án trong thời gian 2 năm (từ tháng 5/2012 – 5/2014); với những mục tiêu cụ thể như: Đa dạng, bổ sung thêm đối tượng vật nuôi như: tôm càng xanh, cá bống tượng, cá thát lát cườm và cá sặc rằn cho các hộ dân mà từ trước đến giờ chỉ sản xuất độc canh cây lúa; góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân. Dự án đã được triển khai tại 4 xã (Ninh Hòa, Lộc Ninh, Ninh Quới và Vĩnh Lộc), có 36 hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình.
Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch cá thát lát – mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đốc Nam
Với điều kiện thuận lợi là được đầu tư hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng, ô đê bao khép kín tương đối ổn định, nên chỉ sau một thời gian thực hiện dự án, kết quả đạt được thật đáng phấn khởi. Hầu hết các vật nuôi như cá thát lát cườm, cá bống tượng, cá sặc rằn, tôm càng xanh… ở các mô hình (nuôi trong ao đất, trong ruộng lúa) đều phát triển tốt, đạt năng suất, hiệu quả cao. Bên cạnh đó, dự án đã tổ chức được 9 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất thủy sản nước ngọt cho cán bộ quản lý, kỹ thuật và nông dân trong huyện, có 360 lượt người tham dự. Qua lớp tập huấn này, hầu hết kiến thức về kỹ thuật sản xuất thủy sản như nuôi cá thâm canh, nuôi tôm thâm canh, lúa – cá, lúa – tôm được nâng lên rõ rệt, phần lớn người dân sẽ tự làm chủ kỹ thuật cho mình khi dự án kết thúc. Ông Mai Hồng Kỉnh (ấp Tà Ky, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Từ trước tới giờ gia đình tôi chỉ sản xuất lúa Một bụi đỏ kết hợp với nuôi tôm sú trong ruộng lúa. Nhưng mấy năm qua, tôm sú luôn gặp dịch bệnh gây thiệt hại rất lớn cho kinh tế gia đình. Đã nhiều lần tôi muốn chuyển sang nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa nhưng lại thiếu thông tin kỹ thuật, cũng như sự hiểu biết về tôm càng xanh có giới hạn nên không dám nuôi. Nhưng kể từ khi có dự án này mà tôi được đầu tư vốn sản xuất và tập huấn kỹ thuật nên tôi rất yên tâm sản xuất. Điều phấn khởi là tôm càng xanh của tôi chuẩn bị thu hoạch cho năng suất khoảng 300kg/ha”.
Tại hội nghị sơ kết dự án xây dựng các mô hình sản xuất thủy sản nước ngọt trên vùng đất nhiễm phèn mặn vừa qua, phần lớn các đại biểu đã đánh giá dự án này rất thành công. Các mô hình chuyển giao phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương, quá trình chuyển giao kỹ thuật cũng dễ tiếp thu và có hiệu quả về chiều sâu. Đa số nông dân đều hài lòng về sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì với cơ quan chuyển giao công nghệ khi hợp tác với nông dân. Điều đáng ghi nhận nữa là, dự án đã tổ chức đào tạo được 20 kỹ thuật viên cơ sở tham gia. Thông qua khóa đào tạo này, các kỹ thuật viên sẽ mạnh dạn đề xuất ý tưởng nghiên cứu khoa học và vững vàng hơn khi thực hiện đề tài, dự án cho địa phương mình.
Tiến sĩ Huỳnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở KH-CN, đánh giá: “Dự án được đánh giá là rất thành công bởi hiệu quả mang lại từ các mô hình sản xuất rất cao và ổn định. Các mô hình thủy sản được xây dựng đúng quy trình, đúng đối tượng và đạt được mục tiêu đặt ra. Thông qua dự án này, tỉnh sẽ tập trung chọn 3 đối tượng nuôi chủ lực cho vùng đất nhiễm phèn mặn của tỉnh là cá thát lát cườm, cá sặc rằn và tôm càng xanh làm mô hình nhân rộng. Chọn địa điểm lập dự án đầu tư cho 1 hợp tác xã tại huyện Hồng Dân để đầu tư trang thiết bị sơ chế, bảo quản lạnh để dự trữ nguyên liệu đề phòng trường hợp khi thị trường giá cá thát lát xuống thấp. Có như vậy thì người nuôi yên tâm và sản xuất sẽ bền vững hơn, giúp nông dân gắn bó với nông nghiệp bền chặt hơn”.