Với những thông tin vui liên tiếp cả trong sản xuất lẫn xuất khẩu thời gian vừa qua, con tôm đang tràn đầy hy vọng về đích thành công.
Tín hiệu tích cực
Bước sang quý III, thị trường tôm bắt đầu sôi động trở lại. Trong tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên kể từ đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt trên 334 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm tiêu thụ sang 8 thị trường chính đều tăng.
Cụ thể, với thị trường Trung Quốc, ghi nhận trong tháng 7, xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng 47,7% và đạt 51,6 triệu USD. Trung Quốc mua mạnh tôm Việt Nam do giảm nhập khẩu từ các nguồn cung khác. Trong đó, nguồn cung tôm lớn thứ hai của Trung Quốc, Ấn Độ, dự báo giảm sản lượng trong năm nay do thời tiết xấu và dịch bệnh. Đứng thứ 4 về cung cấp tôm cho Trung Quốc, Argentina, cũng công bố giảm sản lượng khai thác tôm do sinh khối tôm tại ngư trường khai thác của nước này giảm.
Còn với thị trường Mỹ, tôm Việt Nam có triển vọng tươi sáng hơn sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố mức thuế chống bán phá giá chính thức cho đợt rà soát hành chính lần thứ 13 là 0% cho 31 doanh nghiệp của Việt Nam. Đây là cơ hội để sản phẩm tôm của nước ta cải thiện cơ cấu thị trường. Theo VASEP, trong tháng 7, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng 37,2% và đạt 77 triệu USD. Nhu cầu mua tôm từ Việt Nam đang ấm dần lên do tồn kho giảm trong bối cảnh Mỹ giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan, và đặc biệt từ Trung Quốc do tác động của cuộc chiến thương mại.
Tại EU, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt trên 77 triệu USD, tăng 3,8%. Xét về thị trường, bán hàng sang Anh và Đức tăng lần lượt 12,9% và 13%, nhưng sang Hà Lan giảm 12,8%. VASEP dự báo xuất khẩu sang EU trong nửa cuối năm nay chưa thể phục hồi. EU là khu vực có thu nhập đầu người cao và ngày càng ưa chuộng các sản phẩm nhiều tiện ích. Đây cũng là thị trường đủ lớn để các doanh nghiệp tôm Việt Nam lựa chọn hệ thống phân phối vừa tầm cung ứng của mình. Nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU có thể tăng từ năm 2020.
Tôm nguyên liệu trong nước đang tăng giá
Doanh nghiệp cần tận dụng
Theo các chuyên gia, mức thuế chống bán phá giá Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố chứng tỏ các doanh nghiệp tôm Việt Nam trung thực trong hoạt động, khai báo số liệu kinh doanh đầy đủ, chính xác và kịp thời; chứng tỏ DOC hết sức công bằng và xem xét hết sức thấu đáo hồ sơ được cung cấp; cũng chứng tỏ hãng luật được các doanh nghiệp bị đơn thuê bảo vệ đã làm việc tận tâm. Cùng đó, phía VASEP cũng đã tập họp các doanh nghiệp tôm, thống nhất trong chương trình hành động ứng xử với vụ kiện tăng thêm niềm tin và sức mạnh chung. Đây là thành quả tốt nhất trong 13 lần xem xét hành chính. Tuy nhiên, dù có lợi thế nhưng sắp tới các doanh nghiệp tôm nên duy trì nhịp độ tăng trưởng vừa phải ở thị trường Mỹ nhằm tránh tình huống bất lợi trong tương lai do hệ quả từ thương chiến Trung Mỹ.
Trước mắt, 31 doanh nghiệp được hưởng thuế chống bán phá giá 0% vào thị trường Mỹ sẽ có lợi là thu lại tiền đặt cọc ở Hải quan Mỹ bằng 4,58% giá trị hàng xuất. Ở POR14, các doanh nghiệp tôm duy trì mức thuế này do đã thỏa thuận với bên nguyên đơn từ trước và sẽ tiếp tục thu lại tiền đặt cọc giống như trên, trở thành nguồn lợi nhuận. Ở POR15 về sau (cho niên độ bán hàng từ năm 2019 trở về sau), các doanh nghiệp tôm Việt có thể sử dụng nguồn lợi thế này tiếp tục thoả thuận với nguyên đơn để tạo ổn định trong kinh doanh tôm với thị trường Mỹ.
>> Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam 7 tháng đầu năm, TTCT chiếm 68,2%, tôm sú chiếm 21,6%, còn lại là tôm biển. Xuất khẩu TTCT đạt 1,2 tỷ USD, giảm 7% so cùng kỳ năm ngoái; tôm sú đạt gần 383,7 triệu USD, giảm 15%; tôm biển khác đạt 181 triệu USD, tăng 5%. Xuất khẩu tôm sú chế biến giảm mạnh nhất 34%, xuất khẩu tôm biển chế biến đóng hộp tăng mạnh nhất 57%. |
Vân Anh