Xác định những khuyến nghị của EC để xóa “thẻ vàng” cũng trùng với lợi ích trong phát triển thủy sản Việt Nam, cần tái cơ cấu lại nghề cá tự phát thành nghề cá có trách nhiệm, bền vững. Việc này không chỉ thực hiện cho những năm tới mà còn có ý nghĩa lâu dài, đảm bảo hiệu quả cho những ngư dân tham gia khai thác thủy sản.
Nhiều chuyển biến tích cực
Đến nay, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý, các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Thủy sản năm 2017 đã được hoàn tất và được phía EC đánh giá cao. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo quốc gia về khai thác IUU đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai chống khai thác IUU; điều này khẳng định quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc chống khai thác IUU và hướng đến một nghề cá có trách nhiệm, bền vững. 27/28 tỉnh ven biển trên cả nước đã thành lập Văn phòng Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại 61 cảng cá do cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản tỉnh phối hợp với lực lượng Biên phòng thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá rời, cập cảng. Tại cảng, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra sổ nhật ký, giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm tàu cá, giấy phép khai thác, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng; kiểm tra các thiết bị an toàn, hàng hải trên tàu đèn, phao cứu sinh, thông tin liên lạc trên tàu, thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Cùng đó, UBND các địa phương ven biển đã chỉ đạo đơn vị chức năng thực hiện kiểm tra tàu cá tại cảng theo quy định, trong đó tập trung vào nhóm tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên; tăng cường tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định về phòng, chống khai thác IUU.
Đại diện Chính phủ, các bộ, ban, ngành kiểm tra tình hình tại cảng cá Tắc Cậu, Kiên Giang – Ảnh: Nhật Bắc
Ứng dụng công nghệ minh bạch hóa nghề cá
Chia sẻ tại Hội thảo kỹ thuật về “Hệ thống công nghệ điện tử giúp giảm thiểu khai thác IUU” đầu tháng 12/2019, đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, với hơn 90.000 tàu cá lại trong bối cảnh nỗ lực thực hiện những khuyến nghị của EC để giảm thiểu tình trạng khai thác IUU thì việc ứng dụng công nghệ để minh bạch hóa nghề cá, giám sát khai thác thủy sản là rất cần thiết. Từ năm 2018, Việt Nam đã triển khai hệ thống giám sát tàu cá, theo đó, quy định cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên bắt buộc phải lắp đặt. Đến nay, hệ thống giám sát tàu cá đang quản lý, giám sát hoạt động của 9.421/31.541 tàu cá 15 m trở lên (đạt 30%), 2.027/2.618 tàu cá có chiều dài trên 24 m (chiếm 78%) và 7.394/28.923 tàu cá có chiều dài từ 15 đến dưới 24 m (chiếm 26%). Hệ thống giám sát tàu cá có thể quản lý tập trung, thu nhận thông tin dữ liệu tàu cá của cả nước như vị trí, hải trình, thông tin tàu; lưu trữ, quản lý, trích xuất dữ liệu tàu hoạt động trên các vùng biển; cảnh báo khi tàu ra vùng biển nước ngoài, vào khu vực cấm khai thác, hoạt động sai vùng, sai tuyến. Chia sẻ dữ liệu và phân cấp quản lý để các địa phương truy cập dữ liệu tàu cá phục vụ truy xuất nguồn gốc; kết nối, chia sẻ thông tin với các hệ thống của các cơ quan chức năng liên quan (thông tin về thời tiết, ngư trường…) phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn…
Địa phương song hành
Là một trong những địa phương có hoạt động khai thác thủy sản phát triển, với đội tàu lớn; nên các cấp, ban, ngành tại Kiên Giang đã tích cực, quyết liệt trong công tác chống khai thác IUU. Như chia sẻ của ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, Chi cục Thủy sản đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện hệ thống trang thiết bị, màn hình, sử dụng phần mềm, cố gắng kết nối các thiết bị đối với tàu cá với tỷ lệ lắp đặt cao. Cùng đó, công tác đăng kiểm, cấp phép, chứng nhận có nhiều cố gắng để xác lập các hồ sơ cơ bản về hoạt động của tàu cá. Hiện, Chi cục tập trung rà soát thực tế, phân loại, thống kê thời hạn giấy phép khai thác, đăng ký đăng kiểm… yêu cầu chủ tàu hoàn thiện lắp đặt thiết bị trước khi được cấp phép. Đối với số tàu đang nằm bến, Chi cục tiến hành ghi nhận địa điểm, lưu hình ảnh, yêu cầu chủ tàu viết cam kết khi ra khơi khai thác đánh bắt thủy sản phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Những tàu cá trước đây lắp đặt thiết bị VX-1700 chất lượng hoạt động kém yêu cầu chủ tàu thay thế bằng thiết bị khác đáp ứng theo quy định hiện hành.
Bộ đội Biên phòng tăng cường tuyên truyền cho ngư dân khai thác đúng quy định – Ảnh: ST
Cùng với các địa phương ven biển, tỉnh Quảng Bình cũng tích cực thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của ngư dân trong khai thác thủy sản. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh tuyên truyền quy định chống khai thác IUU cho người dân, nhất là chủ tàu cá, thuyền trưởng, cơ sở thu mua hải sản; tổ chức gần 100 hội nghị tuyên truyền với gần 1.000 lượt người tham dự; in ấn và phát 5.500 tờ rơi, tờ dán trên tàu cá, 500 sổ tay pháp luật; thực hiện 4 phóng sự, 2 cuộc tọa đàm, 2 chuyên đề và nhiều tin, bài tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; 1.287 chủ tàu khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm khai thác IUU, 15 cơ sở thu mua, kinh doanh hải sản cam kết không thu mua hải sản từ khai thác IUU, phát thanh tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống truyền thanh của xã, phường… Thông qua các hoạt động này, tình hình khai thác IUU trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh, đặc biệt tình trạng tàu giã cào khai thác sai tuyến đã giảm đáng kể so với các năm trước; tàu cá khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài ít hơn so cùng kỳ năm 2018.
>> Bà Veronika Veits, Giám đốc Cơ quan Quản trị đại dương quốc tế và nghề cá bền vững, Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản của EC cho biết: “Tôi rất ấn tượng với những kết quả Việt Nam đã đạt được trong thực hiện các khuyến nghị của EC. Cùng đó, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương, tiếp tục nỗ lực để triển khai nghiêm túc các quy định và giám sát thực hiện của cơ sở”. |
Hải Lý