6 tháng đầu năm, thời tiết biển khá thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản, theo đó, nhiều nghề khai thác đạt sản lượng khá; các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng ngành và nâng cao giá trị gia tăng, bảo quản sản phẩm sau khai thác được Tổng cục Thủy sản triển khai tích cực.
Tổng sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng ước 1,88 triệu tấn
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng ước 1,88 triệu tấn (tăng 6,2% so cùng kỳ năm 2017); trong đó, khai thác biển đạt 1,79 triệu tấn, khai thác nội địa 84.000 tấn. Đến nay, cả nước có 96.600 tàu cá chiều dài từ 6 m trở lên. Tàu cá vỏ gỗ chiếm tỷ lệ 98,6%, còn lại là vỏ thép và vỏ vật liệu mới. Tổng cục đã giao hạn ngạch 31.541 giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho 28 tỉnh, thành phố ven biển theo quy định của Luật Thủy sản; hướng dẫn các địa phương cấp Giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch. Cùng đó, Tổng cục Thủy sản đã rà soát hiện trạng thiết bị Movimar được lắp đặt trên tàu cá; tham mưu cho Bộ NN&PTNT có quyết định thu hồi, phân bổ và lắp đặt lại 1.547 thiết bị cho các tàu cá để đáp ứng quy định của Luật Thủy sản cũng như khuyến nghị của EC; tiếp tục duy trì và vận hành hệ thống giám sát tàu cá Movimar và trạm bờ VX 1700 cảnh báo tàu vi phạm vùng biển các nước, hỗ trợ tàu khi gặp sự cố.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, cuối tháng 10/2019, Đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-MARE) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. EC sẽ đánh giá kết quả sau 2 năm Việt Nam thực hiện các khuyến nghị của EC để có đủ luận chứng kết luận có thể gỡ bỏ hoặc duy trì “thẻ vàng” hoặc áp dụng biện pháp cảnh báo “thẻ đỏ” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Theo đó, nửa cuối năm 2019, mục tiêu là khắc phục cao nhất 4 khuyến nghị của EC, đây là nhiệm vụ cực kỳ cấp thiết vì không gỡ “thẻ vàng” sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thủy sản Việt Nam.