San hô vùng biển đảo Cô Tô (Quảng Ninh) chết 80 – 85% do khai thác thủy sản kiểu hủy diệt – Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Quảng Ninh, ông Hà Văn Giang cho biết như vậy.
Tỉnh Quảng Ninh có khoảng 6.000 km² mặt nước biển, một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước, nếu trước đây khai thác hải sản kiểu hủy diệt chỉ diễn ra tại vùng ven bờ thì nay đã ra cách bờ 20 – 30 hải lý. Điều đó có nghĩa, không chỉ người nghèo mà người khá giả cũng đang khai thác hải sản kiểu hủy diệt.
Tại tỉnh Bình Thuận, một thuyền trưởng chủ tàu cá ở khu phố 5, phường Đức Long (TP Phan Thiết) thiệt mạng trên biển do dùng chất nổ để đánh bắt hải sản; vụ nổ còn làm một thuyền viên bị thương, tàu cá hư hỏng nặng. Bất chấp hậu quả đau lòng, nhiều người trong tỉnh vẫn dùng chất nổ để đánh bắt hải sản. Ngày 22/10/2014, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận tịch thu 1,6 kg thuốc nổ, 21 kíp nổ và hơn 4 m dây cháy chậm của một tàu cá. Thống kê của Sở NN&PTNT, trong 10 tháng đầu năm 2014, phát hiện và xử lý 5 vụ dùng chất nổ khai thác hải sản.
Vùng ven biển và nội đồng, tình trạng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt bằng chất độc, xung điện cũng đang diễn ra dai dẳng, phức tạp. Tỉnh Sóc Trăng có diện tích bãi bồi ven biển hơn 50.000 ha, trong đó rừng phòng hộ hơn 6.000 ha, là khu vực tái tạo nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên. Ông Nguyễn Phú Lục, Phó trưởng ban Nhân dân, ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Cù Lao Dung, bức xúc: “Tình trạng đổ hóa chất xuống kênh rạch để khai thác thủy sản xảy ra nhiều; mỗi khi bị phát hiện, những người vi phạm còn chống cự lại, không coi chính quyền cơ sở ra gì”.
Chỉ trong ngày 3 và 4/9/2014, Trạm Thủy sản huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) và Công an xã Thường Thới Hậu A kiểm tra trên đồng nước nổi, đã phát hiện 6 thuyền đánh bắt thủy sản bằng xung điện. Ở tỉnh Tiền Giang, khảo sát của Chi cục Thủy sản cho thấy nhiều loài thủy sản nội đồng đã giảm 30 – 80% so với dăm năm trước; một số loài có nguy cơ tuyệt chủng như cá hô, thát lát, bống tượng, chạch lấu. Rõ ràng nguồn lợi thủy sản tự nhiên đã giảm nghiêm trọng.
Tại họa cũng luôn xảy ra với những người sử dụng các phương pháp khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Nửa đêm về sáng 28/9/2014, anh Lê Văn Tuyến, 20 tuổi, ở xã Khánh Hải (Trần Văn Thời, Cà Mau) ra đồng xuyệt cá bằng xung điện đã bị điện giật chết. Sáng 29/7, anh Trương Văn Hậu, 23 tuổi, ở thị trấn Cái Dầu (Châu Phú, An Giang) cũng bị điện giật chết khi đang dùng bình ắc quy xuyệt cá.
Nhằm chấm dứt thực trạng trên, ngày 30/7/2014, Thủ tướng Chính phủ có thêm Chỉ thị 19/CT-TTg, tăng cường ngăn chặn việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trước đây, ngày 2/1/1998, Thủ tướng đã có Chỉ thị 01/1998/CT-TTg, nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Sau khi có chỉ thị mới, các địa phương đã khẩn trương triển khai; hy vọng lần này sẽ chuyển biến tốt lên.