Rong mơ là nguồn lợi thủy sản đem lại thu nhập cho ngư dân. Tuy nhiên, cần tuân thủ thời gian thu hoạch để kết hợp hài hòa giữa khai thác và bảo vệ nguồn lợi này.
Hiện nay, tại khu vực Sông Lô, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, nhiều ngư dân đã bắt đầu khai thác rong mơ. Họ mang theo dây dẫn khí của chiếc máy nén hơi tự chế lặn xuống các rạn đá để hái rong. Anh Nguyễn Văn Thuận, chuyên lặn khai thác rong ở Hòn Khói (xã Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Cứ chỗ nào có rong là chúng tôi đến lặn, từ khu vực Hòn Khói, Hòn Khô đến Sông Lô, Rạn Trào… gặp vạt nào bứt vạt ấy nhưng cũng không khai thác loại rong quá non…”.
Người dân phơi rong sau thu hoạch
Việc phơi rong khô không kém phần vất vả được giao cho phụ nữ. Rong phơi ngay trên đá, cát ven bờ. Cẩn thận lật, đảo từng mớ rong, một phụ nữ chia sẻ: “Nam giới có sức khỏe thì phải lặn sâu từ 5 – 7 m để hái rong, còn chúng tôi ở trên bờ phơi rong. Làm dưới trời nắng gắt cũng mệt nhưng rong được nắng sẽ được giá”.
Tuy vất vả nhưng đây là nghề mang lại thu nhập khá cao nên những người theo nghề này vẫn ngày ngày vớt rong mong có thêm thu nhập cho gia đình. Trung bình một người lặn thu hoạch được 70 kg đến 1 tạ rong khô/ngày. Với giá thu mua rong khô hiện nay từ 4.200 – 4.500 đồng/kg, một người lặn rong cũng kiếm được từ 300.000 đến 500.000 đồng/ngày. Theo ông Trần Lung (thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang), đa số những người vớt rong biển là ngư dân không có phương tiện đánh bắt xa bờ. Họ phải khai thác nguồn lợi ven bờ như đánh lưới, câu mực, soi cá, lặn hái rong để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống. “Mỗi ngày vợ chồng tôi làm tích cực cũng kiếm được gần 500.000 đồng. Thu nhập này giúp gia đình tôi trang trải mọi sinh hoạt và dành dụm chút ít, khi hết mùa rong biển phải chuyển sang làm việc khác”, ông Lung nói.
Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), quần thể rong mơ thường sống bám vào rạn san hô, rạn đá vốn là chỗ trú ẩn, kiếm ăn của cá con, là nơi sinh sản của cá trưởng thành. Khi cây rong mơ già đi, rễ cây bứt khỏi nơi sinh trưởng trôi nổi thành từng đám trên mặt biển. Đây là thời điểm thu hoạch rong tốt nhất, sản lượng cao nhất, vừa làm sạch biển, tránh cho tàu bè không gặp nguy hiểm khi bị rong quấn vào bánh lái. Mùa thu hoạch rong mơ thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 12 (đối với từng khu vực), nhưng hiện nay rong còn non mà đã có nhiều người khai thác.
Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản khuyến cáo: “Người dân cần tuân thủ thời gian thu hoạch rong mơ, không thu hoạch non; khi cắt rong thu hoạch cần chú ý để lại gốc bám và 1 đoạn thân dài khoảng 10 – 15 cm để duy trì sự phát tán, phát triển của rong mơ. Vì mưu sinh nên hiện nay nhiều người khai thác rong mơ chưa đúng thời gian quy định. Chính vì vậy, chính quyền các xã cần tích cực tuyên truyền cho người dân nhận thức rõ bảo vệ rong mơ là bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần nghiên cứu chuyển đổi sinh kế cho ngư dân. Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với chính quyền các xã, phường tổ chức thí điểm các đội, tổ vừa khai thác, quản lý, đồng thời bảo vệ nguồn lợi rong mơ.