Trước đây, những ngư dân nghèo khai thác ven bờ luôn lo lắng, vì sản phẩm tôm, cá họ đánh bắt được ngày càng ít dần, nhỏ dần. Cùng với đó, những con thuyền của họ lại nhỏ, chỉ có thể đánh bắt hải sản gần bờ. Những mảnh lưới cũng nhỏ, rách nát lại còn thường xuyên bị đe dọa bởi những tàu lưới kéo cỡ lớn càn qua cuốn phăng đi hết.
Ngư dân trong Tổ đồng quản lý tham gia giám sát trên biển
Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, mà các ngư cụ cấm khai thác, phương pháp khai thác theo kiểu tận diệt như dùng mìn, kích điện… để bất chấp đánh bắt tôm, cá còn non, phá hủy cả các rạn san hô; vẫn được ngư dân sử dụng.
Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” đã áp dụng mô hình “Đồng quản lý” cho ngư dân khai thác ven bờ của 8 tỉnh (gồm: Thanh Hóa; Nghệ An; Hà Tĩnh; Bình Định; Tuy Hòa; Khánh Hòa; Sóc Trăng và Cà Mau) nhằm giải quyết các khó khăn cho ngư dân nghèo và bảo vệ nguồn lợi ven bờ được bền vững. Thực hiện mô hình “Đồng quản lý” tức là liên kết ngư dân lại thành các “Tổ đồng quản lý”; tuyên truyền cho ngư dân hiểu được tác hại của khai thác hủy diệt; ích lợi của việc bảo vệ được nguồn lợi ven bờ; hướng dẫn ngư dân thực hiện theo những quy chế khai thác, mà những quy chế này do chính những ngư dân tự giác xây dựng nên; hỗ trợ ngư dân phát triển sinh kế để giải quyết các khó khăn về đời sống kinh tế của họ.
Kết quả, đã thành lập được 97 “Tổ đồng quản lý” trong 8 tỉnh của Dự án. Ngư dân trong các “Tổ đồng quản lý” sẽ cùng nhau hội họp theo định kỳ; cùng bàn cách làm ăn, cùng tự xây dựng các quy chế đánh bắt ở vùng biển ven bờ; tự thành lập và tổ chức việc kiểm tra trên biển dưới sự hỗ trợ của các lực lượng kiểm ngư, biên phòng và chính quyền cấp xã để chống đánh bắt bất hợp pháp, nhằm duy trì và bảo vệ tốt nguồn lợi hải sản ven bờ, cũng vì chính thu nhập lâu dài của họ.
Theo đó, với sự hưởng ứng tích cực của ngư dân trong các “Tổ đồng quản lý”, tình trạng khai thác bất hợp pháp đã giảm, có nơi giảm đến 30% số vụ vi phạm. Nhờ vậy nguồn lợi ven bờ được phục hồi tốt hơn.
Chính nhờ những kết quả đã đạt được, mô hình “Đồng quản lý” đang thể hiện là mô hình tốt để quản lý và phát triển nghề cá ven bờ một cách bền vững.