(TSVN) – Sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên toàn cầu. Ghi nhận của Bộ NN&PTNT, thực tế, giá nguyên liệu đầu vào như lúa mì, ngô… đã tăng lên khoảng 10 – 20% trong thời gian gần đây, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp trong nước.
Thị trường thức ăn chăn nuôi và thủy sản thế giới đang có biến động mạnh do chiến sự giữa Nga và Ukraine. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Ukraine chiếm 12% tổng lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới và cung cấp khoảng 16% lượng ngô xuất khẩu cho toàn thế giới trong năm nay. Chiến tranh xảy ra tại Ukraine, đặc biệt các cảng biển của nước này đang bị phong tỏa đã khiến cho giá lúa mì tăng 6%. Giá ngô trên thị trường thế giới cũng tăng chóng mặt.
Theo tổng hợp của Hải quan Việt Nam, trong hai tháng đầu năm, giá bột mì nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ, châu Âu tăng đột biến hơn 50%. Hai tháng đầu năm 2022 cả nước nhập khẩu 582.827 tấn lúa mì, trị giá trên 210,08 triệu USD, giá trung bình 360,5 USD/tấn, giảm 19,9% về khối lượng, nhưng tăng 11,9% kim ngạch và tăng 39,7% về giá so cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu trên 1,57 triệu tấn ngô, trị giá 504,18 triệu USD, giá trung bình 320,8 USD/tấn, giảm 7,1% về khối lượng, nhưng tăng 31,7% kim ngạch và tăng 41,8% về giá. Nhập khẩu 372.758 tấn đậu tương, trị giá 230,12 triệu USD, giá trung bình 617,3 USD/tấn, tăng 3,5% về khối lượng, tăng 20,2% kim ngạch và tăng 16% về giá.
Tính toán của ngành nông nghiệp thì so với cùng kỳ (tháng 3/2021), giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tháng 3/2022 đều tăng mạnh, ngô hạt 10.200 đồng/kg (tăng 29,3%), khô dầu đậu tương 16.500 đồng/kg (tăng 33,4%), DDGS (bã ngô) 10.300 đồng/kg (tăng 23,1%), lúa mì 9.850 đồng/kg (tăng 49,5%).
Hiện các đại lý thức ăn chăn nuôi thủy sản đã áp dụng mức tăng 400 đồng/kg áp dụng cho thức ăn nhãn hiệu Starfeed, Bigfeed dùng nuôi cá điêu hồng, cá rô phi, cá tra, cá rô đồng, cá trê vàng, cá trắm, cá chép, ếch. Chi phí nuôi cá đã tăng khoảng 20% so với những năm trước. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn cho tôm cũng đã được điều chỉnh tăng từ 3.000 – 5.000 đồng/kg.
Việc phải phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài khiến các doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải tăng theo giá đầu vào của sản phẩm. Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn cho biết, với việc giá nguyên chiếm khoảng 80 – 85% giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản, việc tăng giá thức ăn có thể sẽ còn kéo dài hết năm 2022, nếu chiến sự vẫn tiếp diễn và các giải pháp bù đắp thiếu hụt nguyên liệu sản xuất thức ăn không được khắc phục.
Từ ngày 30/12/2021, Chính phủ đã điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN (tối huệ quốc) đối với một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành đầu vào và giảm giá thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Thuế suất thuế nhập khẩu MFN của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%. Tuy vậy, do ảnh hưởng cuộc chiến, việc vận chuyển lưu thông đi châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chi phí vận chuyển tăng cao từ 30 – 40%. Nguồn cung nguyên liệu lúa mì và ngô cũng thiếu hụt nghiêm trọng. Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản đã điều chỉnh tăng giá khoảng 10%, tuy vậy, nhiều doanh nghiệp khẳng định phải tăng giá khoảng 30% mới cân đối được giá thành sản xuất.
Theo Cục Chăn nuôi, nếu như năm 2019, cả nước có 265 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp thì đến năm 2021 con số là 269 cơ sở, với tổng công suất thiết kế là 43,3 triệu tấn, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 51%, trong nước chiếm khoảng 49%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp của cả nước năm 2019 đạt 18,9 triệu tấn, đến năm 2021 đạt 21,9 triệu tấn, tăng 15,9%. Để đáp ứng sản lượng này, nước ta cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh. Năm 2021, cả nước cần trên 33 triệu tấn, trong đó tự cung cấp được khoảng 13 triệu tấn (chiếm khoảng 40%), số còn lại từ nguồn nhập khẩu (22,3 triệu tấn).
Thức ăn chăn nuôi chiếm vai trò quan trọng và có nhiều ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất. Do đó, việc tăng cường thêm nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để giảm tải áp lực cho việc nhập khẩu là giải pháp thiết thực để ngành chăn nuôi nước ta từng bước chủ động trong sản xuất.
Theo đó, giải pháp trước mắt để ngăn chặn đà tăng giá của thức ăn chăn nuôi thủy sản là cắt giảm chi phí tối đa, tăng công suất và mở rộng vùng tiêu thụ sản phẩm. Song để phát triển ổn định, cần nội địa hóa nguồn nguyên liệu, thay vì nhập khẩu khoảng 88% như hiện nay. Được biết Hiệp hội sắn Việt Nam đang tích cực mở rộng diện tích, hướng vào thị trường nội địa. Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam hiện đã đạt giá trị 1,35 tỷ USD, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Thái Lan. Tuy vậy, cái khó hiện nay đó là diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp. Thậm chí một vài năm gần đây, hiện tượng phân lô bán nền trên đất nông nghiệp diễn ra rất phổ biến ở nhiều địa phương mà chưa chấm dứt. Diện tích gieo trồng cây lương thực năm 2020 đạt 8,2 triệu ha, giảm 8,7% so năm 2015. Trong đó diện tích ngô đạt 943,8 nghìn ha, giảm 18,5%. Sản lượng ngô năm 2020 đạt 47,28 triệu tấn, giảm 6,1% so năm 2015.
>> Các chuyên gia nông nghiệp đều cho rằng, giá trị sản xuất nông nghiệp là ổn định và đặc biệt gần gũi với môi trường sống của con người, rất cần được quan tâm. Quỹ đất dành cho trồng trọt, nhất là trồng ngô, sắn, đậu tương… cần phải được bảo vệ, quy hoạch và khai thác tốt hơn nữa, để chủ động nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản.
Nguyễn Anh