(TSVN) – Ngày 15/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã làm việc với Sở NN&PTNT Khánh Hòa để đánh giá các mô hình nuôi biển công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu đang được triển khai ở địa phương. Trong buổi làm việc, hai bên đều nhất trí đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình nuôi biển công nghệ cao giúp nâng cao giá trị kinh tế.
Theo Sở NN&PTNT Khánh Hòa, hiện nay lĩnh vực thủy sản đang chiếm khoảng 55% giá trị ngành nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bà con thường tận dụng những nguyên liệu có sẵn ở địa phương như cây gỗ, thùng phuy để chế tạo các lồng nuôi và phương pháp này đã không còn phù hợp.
Hơn nữa, khi thiên tai ảnh hưởng như bão, lũ thì lồng bè truyền thống thiệt hại 100% thì hệ thống lồng HDPE áp dụng cộng nghệ của Na Uy, Mỹ lại an toàn tuyệt đối.
Vì vậy, Khánh Hòa xác định nuôi biển công nghệ cao là hướng phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh. Cụ thể, mô hình nuôi biển công nghệ cao ngày càng phát triển, trong đó hệ thống lồng HDPE được điều chỉnh kích thước nhỏ hơn để phù hợp hơn với nhu cầu nông hộ, ứng dụng được hình thức canh tác bán cơ khí. Trong khi đó, hiện, trong nước đã sản xuất được các lồng HDPE với chi phí tiết kiệm khoảng 50 – 60% so với nhập khẩu nhưng vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn và độ bền vào khoảng 20 năm.
Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ bà con, mục tiêu từ nay đến 2030 chuyển đổi 100% nuôi biển từ lồng truyền thống sang lồng HDPE. Với mục tiêu này, tỉnh cũng định hướng khai thác thế mạnh của hệ thống lồng nuôi HDPE để nuôi biển ở các vùng biển hở mà lồng truyền thống không đáp ứng được.