(TSVN) – Mới đây, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã có báo cáo gửi đến Cục Thủy sản, Sở NN&PTNT Khánh Hòa về về kết quả khảo sát tôm hùm ở vùng thả nuôi tôm ven biển xã Vạn Thạnh và xã Vạn Hưng nằm trong vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chết hàng loạt.
Cụ thể, kết quả phân tích 4 mẫu nước, 1 mẫu trầm tích và 4 mẫu tôm hùm có dấu hiệu mắc bệnh, kết hợp khảo sát, quan trắc tại hiện trường tại hai điểm thu thập mẫu cho thấy, hàm lượng ôxy hòa tan tầng đáy thấp hơn giới hạn cho phép, mật độ Vibrio spp vượt giới hạn từ 1,8 – 3,3 lần. Nhiệt độ môi trường nước tại lồng nuôi tôm cao (31,1oC); hàm lượng H2S khá cao trong các mẫu nước. Mặc dù, các mẫu tôm hùm thu được tại nơi khảo sát đều không có biểu hiện nhiễm ký sinh trùng và âm tính với tác nhân Rickettsia like bacteria gây bệnh sữa, nhưng phát hiện có vi khuẩn Vibrio alginolyticus ở cả các mẫu tôm, 100% mẫu tôm hùm thu được tại Mũi Nai, thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh có nhiễm nấm Fusarium sp.
Tôm hùm chết ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Ảnh: DH
Từ kết quả khảo sát, phân tích nêu trên, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III cho biết, nhiệt độ nước các vùng khảo sát thời gian qua cao hơn so với cùng kỳ năm 2023, nguy cơ gia tăng khả năng phát triển của các tác nhân gây bệnh cho tôm hùm. Mẫu trầm tích tại vùng nuôi tôm ở xã Vạn Hưng có thông số chất hữu cơ, Sulfua, Vibrio khá cao; tôm hùm bông ở xã Vạn Thạnh đen mang, tôm hùm xanh ở xã Vạn Hưng có biểu hiện thiếu ôxy. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm còn phát tác nhân gây bệnh đen mang trong mẫu tôm hùm bông thu được ở Mũi Nại, có thể là tác nhân nguyên phát gây khó khăn cho việc hô hấp, thiếu ôxy; mật số vi khuẩn Vibrio trong các mẫu tôm, mẫu nước và mẫu trầm tích tại vùng khảo sát, đặc biệt Vibrio alginolyticus được tìm thấy với mật số cao có thể là tác nhân thứ phát, khiến cho tôm hùm chết rải rác. Ngoài ra, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước ở tầng đáy thấp, nhiệt độ nước tăng cao, trong khi đó số lượng tôm thả nuôi với mật độ dày giữa lúc thời tiết đang chuyển mùa làm giảm sức đề kháng, khiến cho tôm yếu sức và dễ mắc bệnh.
Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III cũng đưa ra khuyến cáo, người nuôi tăng cường che mát lồng, bè khi nắng nóng; thu gom vỏ nhuyễn thể lúc sơ chế và sau khi cho tôm ăn xong để hạn chế kỵ khí, bồi lắng ở đáy. Người nuôi nên thả nuôi với mật độ thưa, tăng cường theo dõi tôm nuôi, khi phát hiện tôm ăn yếu, đen mang thì sử dụng formalin nồng độ 300 ppm tắm cho tôm 3 lần trong tuần, mỗi lần 20 phút để điều trị. Ngoài ra, người nuôi tôm cần sử dụng giải pháp kỹ thuật điều trị bệnh đỏ thân; đưa lồng, bè đã xuất bán tôm lên khỏi mặt nước, giãn cách lồng bè tạo sự thông thoáng nước, không nên đặt lồng nuôi vùng nước nông dưới 8 m…
Được biết, trên địa bàn xã Vạn Thạnh có 898 hộ gia đình thả nuôi 34.560 lồng tôm hùm các loại, trong đó có 90% hộ nuôi tôm hùm bông; còn tại xã Vạn Hưng người dân thả nuôi khoảng 4.200 lồng, chủ yếu là tôm hùm xanh. Từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4/2024, tình trạng tôm hùm bông chết rải rác tại vùng nuôi tôm ở Mũi Nai, thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh và có dấu hiệu đen mang, đỏ thân, nghi ngờ bệnh sữa; tôm hùm bông ở xã Vạn Hưng có dấu hiệu thiếu ôxy.
Hương Thảo