T2, 06/07/2020 11:29

Khánh Hòa: Khan hiếm tôm hùm giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ tháng 10 năm trước đến tháng 3, 4 âm lịch năm sau là mùa khai thác tôm hùm giống của cư dân ven biển. Năm nay, tôm hùm giống mất mùa nên ngư dân kém vui.

1 

Biển Đại Lãnh là nơi có nhiều bãi nhử tôm hùm

Mất mùa

Rời xóm Gành, chiếc thuyền máy của anh Phạm Trường Biên (Đông Bắc, Đại Lãnh, Vạn Ninh) đưa chúng tôi đi xem ngư dân “săn” tôm hùm giống trên biển. Sáng sớm, mặt biển yên tĩnh không một gợn sóng. Cả khu vực rộng hàng trăm héc-ta thấp thoáng vài chiếc thuyền thúng dập dềnh. Anh Biên điều khiển thuyền máy lại gần một người đàn ông đang giũ lưới trên thuyền thúng. Người này từ từ kéo tấm lưới từ đáy biển lên, một vài phút trôi qua nhưng chẳng thấy con tôm nào mắc lưới. Sau vài lần thăm lưới như vậy, người đàn ông tên Phạm Cúc (thôn Đông Nam, Đại Lãnh) cho biết, từ sau Tết đến nay, việc bắt tôm hùm giống gặp nhiều khó khăn, tôm dính bẫy ít, mỗi ngày ông chỉ bắt được 1 – 2 con.

Vĩ là ngư cụ bắt tôm hùm giống hiệu quả. 

Vĩ là ngư cụ bắt tôm hùm giống hiệu quả.

Trên đường về lại xóm Gành, chúng tôi gặp thuyền của ông Phan Châu Minh đến từ Tuy An (Phú Yên). Ông Minh đưa tàu vào bến đợi đêm xuống sẽ tiến hành thả mành. Tàu của ông trang bị 4 bóng đèn cao áp, mỗi bóng công suất 1.000W và giàn lưới dài hàng chục sải tay. “Khu vực Phú Yên, Khánh Hòa hiện nay đều mất mùa tôm giống. Hôm nào được tôi có thể kiếm 70 – 100 con, nhưng phần lớn là ra về tay trắng, lỗ tiền dầu chạy máy và chong điện suốt đêm…”, ông Minh chia sẻ. Trở về từ chuyến thăm bẫy tôm hùm giống trên bãi Hồ Na (Vạn Thạnh, Vạn Ninh), anh Võ Văn Nghĩa (thôn Đầm Môn) ỉu xìu: “Sáng nay ra lặn thăm mành, chỉ bắt được mấy con tôm xanh, vài con tôm sao, không đủ tiền dầu”.

Nhiều tháng nay, khu vực Cù Hin (Cam Lâm) là bãi nhử tôm hùm giống thu hút nhiều ngư dân. Anh Võ Trí Thức (Phước Đồng, Nha Trang) cho biết, 3 giờ sáng, từ Hòn Rớ nhiều người đã lên thuyền thăm bẫy nhử tôm hùm giống. Nhiều ngư dân cho biết, chi phí một chuyến đi như vậy mất từ 500.000 – 800.000 đồng. Cùng thời điểm này năm ngoái, một ngày có thuyền kiếm từ 50 – 70 con tôm hùm giống. Năm nay mất mùa nên cố tìm bắt cho được ít nhất một vài con để trang trải chi phí cho chuyến đi…

Cần một hướng đi

Nghề bắt tôm hùm giống đã có từ lâu khi nhu cầu nuôi tôm hùm lồng phát triển. Tuy bấp bênh nhưng có thu nhập cao nên hàng ngàn ngư dân ven biển đã bám vào nghề này. Năm nào được mùa, ngư dân có thể sống khỏe cả năm, năm nào mất mùa thì chỉ trang trải đủ tiền dầu, tiền gạo.

Cả buổi quăng chài ông Phạm Cúc chỉ kiếm được 1 - 2 con tôm. 

Cả buổi quăng chài ông Phạm Cúc chỉ kiếm được 1 – 2 con tôm.

Bà Nguyễn Thị Nha – một thương lái thu mua tôm hùm giống ở Đại Lãnh cho hay: “Đầu vụ, hồi tháng 10 – 11 âm lịch, giá “nhảy” lên tới 360.000 đồng/con, nay giá ổn định. Loại tôm sao (tôm trắng) tôi thu mua với giá 260.000 – 270.000 đồng/con, tôm xanh giá 80.000 đồng/con”. Anh Biên cũng chia sẻ: “Khó có ai biết được tôm hùm sinh sản ra sao, việc bắt nhử cũng chỉ là cầu may. Năm ngoái, tôi kiếm được 170 triệu đồng nhưng năm nay từ đầu vụ tới giờ chỉ đủ tiền dầu. Nếu có tiền đầu tư tàu lớn có thể sẽ đánh bắt được nhiều hơn…”.

Ông Đỗ Văn Cuộc – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Lãnh cho biết, nghề nhử tôm hùm giống tuy không phải là nghề cơ bản nhưng đã giúp nhiều ngư dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Nhà nước cũng cần nghiên cứu cho ngư dân vay tiền mua sắm ngư lưới cụ để hành nghề. Đối với Đại Lãnh, thiếu đất sản xuất, mọi thứ đều trông chờ vào biển thì nhử tôm hùm vẫn là một nghề được lựa chọn nhiều. Còn ông Trương Thái Hùng – Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh (Vạn Ninh) cho biết, người dân Vạn Thạnh sống chủ yếu bằng nghề biển, trong đó có nghề nhử tôm hùm giống, tập trung tại các thôn: Đầm Môn, Ninh Đảo, Khải Lương… Tuy không phải là nghề chính nhưng nó đóng góp quan trọng trong thu nhập của cư dân miền biển, bình quân 1 phương tiện (1 thuyền máy) có thể làm ra 30 – 40 triệu đồng/năm; 2 phương tiện thu nhập gấp 2 lần.

Theo ông Đặng Tri Thông – Chuyên viên Phòng Kinh tế Vạn Ninh, trên địa bàn huyện có nhiều bãi nhử tôm hùm tập trung tại khu vực Đại Lãnh, Vạn Hưng, Vạn Thạnh… Người dân thường dùng mành là dạng lưới trũ kết hợp bật đèn để dẫn dụ tôm giống (do có tính hướng quang). Loại hình này có năng suất cao nhưng chất lượng tôm yếu do cường độ ánh sáng quá mạnh. Người dân còn dùng chà (dùng lưới cũ cột từng chùm, treo đá) hay dùng đá san hô, cây đục lỗ để thu hút tôm giống. Theo kinh nghiệm, những năm có mưa bão nhiều, tôm hùm sinh sản mạnh; rong mơ phát triển, tôm giống càng nhiều do có chỗ trú ngụ.

Hiện nay, nghề khai thác tôm hùm giống vẫn còn nhiều may rủi, bấp bênh. Chính vì thế, Nhà nước cần có quy hoạch các khu vực nuôi, nghiên cứu tạo các bãi rạn để tôm trú ngụ, giúp ngư dân khai thác hiệu quả, tăng thu nhập.

>> Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhuận – Viện Nghiên cứu Khoa học công nghệ khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang: Sản xuất nhân tạo tôm hùm giống trước đây có nghiên cứu nhưng thành công còn hạn chế. Lý do là đặc điểm sinh sản của tôm hùm phụ thuộc nhiều vào sinh cảnh hơn là sinh sản nhân tạo. Tôm bố mẹ sinh sản ngoài biển xa, ấu trùng di cư vào đất liền nên việc mất hay được mùa rất khó xác định. Thời tiết, dòng chảy có ý nghĩa lớn trong việc tôm di trú…

Ông Huỳnh Kim Khánh – Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản: Hiện nay đang vào cuối vụ nên sản lượng thấp. Nguồn tôm giống cung cấp tại các vùng nuôi đánh bắt tự nhiên chỉ đáp ứng 70%, hiện cả nước vẫn còn nhập tôm hùm giống từ Indonesia, Sri Lanka… Do ảnh hưởng của hoạt động du lịch và giao thông đường thủy nên tỉnh có chủ trương cấm hành nghề này tại khu vực vịnh Nha Trang. Khánh Hòa đang nghiên cứu đề tài xây bãi rạn nhân tạo để thu hút tôm hùm giống do Trường Đại học Nha Trang triển khai.

Phú Lâm - Hương Quỳnh

Báo Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!