T2, 06/07/2020 12:04

Khánh Hòa: Mất mùa ruốc biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Tuy mùa ruốc đã vào chính vụ, giá bán ruốc khá cao nhưng ngư dân vẫn kém vui do sản lượng đạt thấp.

Tuy đã vào chính vụ khai thác ruốc biển nhưng vịnh Vân Phong không tấp nập cảnh ghe, tàu ra biển cào ruốc như những năm trước. Từ Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin, nhìn ra mặt biển, chúng tôi chỉ thấy lác đác vài chiếc tàu cào ruốc.  

Người dân phường Ninh Thủy đưa ruốc lên bờ để bán

Người dân phường Ninh Thủy đưa ruốc lên bờ để bán  

Bơi thuyền thúng đưa ruốc vào bán ở khu vực cạnh nhà máy tàu biển, ông Phan Cảo (tổ dân phố Thủy Đầm, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Khai thác ruốc không phải là nghề chính của ngư dân Ninh Thủy. Cuối năm, ngư dân chúng tôi về bờ khai thác ruốc chứ không vươn khơi câu cá nhám. Năm nay, tuy vụ khai thác ruốc đã được hơn 2 tháng nhưng ruốc xuất hiện ít, sản lượng chẳng được bao nhiêu nên nhiều tàu không đi cào”. Vụ ruốc biển năm trước, mỗi chuyến đi ông khai thác được 6 – 7 tạ ruốc tươi, năm nay sản lượng chỉ còn khoảng 1/3.

Theo ngư dân Nguyễn Văn Sáu (tổ dân phố Thủy Đầm), mùa đánh ruốc bắt đầu từ cuối tháng 10 âm lịch đến khoảng tháng Giêng năm sau. Qua mấy chuyến biển đầu mùa, 3 cha con ông cùng 2 bạn thuyền khai thác được chưa đến 1 tấn ruốc tươi. “Chúng tôi xuất phát từ lúc 3 giờ sáng, đến 3 giờ chiều thì vào bờ, bình quân mỗi chuyến đánh được khoảng 2 tạ. Theo kinh nghiệm của tôi, năm nào xuất hiện nhiều cơn bão thì ruốc xuất hiện dày ở ven bờ. Năm nay, có thể do ảnh hưởng của thời tiết nên ruốc ít hơn mọi năm”, ông Sáu cho biết.

Tại Nha Trang, nhiều ngư dân cũng ra biển khai thác ruốc từ rất sớm. Nhiều tàu hành nghề cào ruốc không cập cảng lớn mà chỉ đậu cách xa các bến thuyền nhỏ, rồi chuyển ruốc vào bờ bằng thuyền thúng hoặc bán ngay trên biển cho các ghe thu mua. Trong đó, tập trung nhiều ghe cào ruốc nhất là khu vực bến Giả ở tổ 1 Trường Hải, phường Vĩnh Trường. Ông Trần Văn Thông (tổ 1 Trường Hải) cho biết, vụ ruốc năm nay sản lượng ít nên những tàu cào ruốc trong vùng ít ra biển, chỉ có 2/3 trong số khoảng 50 ghe, tàu thường xuyên cào ruốc đi đánh bắt cách bờ 1 – 2 hải lý. Để đánh bắt ruốc, ngư dân dùng ánh sáng đèn dụ đàn ruốc tập trung rồi lấy vợt xúc; hoặc cào ruốc ở tầng nổi vào ban ngày với loại lưới dày. Muốn chuyến biển thành công, phải có người nhiều kinh nghiệm coi ruốc nổi để đến khai thác. “Mấy chuyến vừa qua, tuy giá ruốc cao nhưng sản lượng khai thác được ít nên thu nhập của ngư dân không cao bằng những năm trước. Nếu như vụ ruốc năm trước, sau khi trừ chi phí, mỗi chuyến biển cho lãi khoảng 4 triệu đồng thì năm nay chỉ còn khoảng 1,5 – 2 triệu đồng”, ông Thông nói.

Tại điểm thu mua ruốc tươi bến Giả ở phường Vĩnh Trường, bà Nguyễn Thị Thiệt – thương lái cho biết, năm trước bình quân mỗi ngày bà thu mua hơn 3,5 tấn ruốc, giá dao động từ 15.000 đến 18.000 đồng/kg, năm nay tuy giá ruốc đã lên đến hơn 25.000 đồng/kg nhưng vẫn không có để thu mua. Hiện nay, trung bình mỗi ngày bà chỉ mua được khoảng 1 tấn ruốc tươi. Trong khi đó, bà Lê Thị Phương, người thu mua ruốc ở phường Ninh Thủy cho hay: “Hiện nay, tại các địa phương ven biển của thị xã Ninh Hòa có rất nhiều điểm thu mua ruốc tươi, sau đó phơi khô bán lại cho thương lái tỉnh khác và các điểm thu mua xuất khẩu. Giá ruốc khô hiện nay khoảng 250.000 đồng/kg. Thời điểm này năm trước, tôi thu mua được cả trăm tấn ruốc tươi, nhưng nay chỉ mới mua được hơn 40 tấn”.

 Lãnh đạo phường Ninh Thủy và phường Vĩnh Trường đều cho biết, từ nhiều năm nay, khi ruốc xuất hiện, ngư dân các địa phương lại ra biển khai thác ruốc, thậm chí một số tàu dừng các nghề khai thác xa bờ để khai thác ruốc. Ở phường Ninh Thủy, mỗi năm có hơn 70 tàu thuyền của ngư dân đi khai thác ruốc ở vùng biển phía nam vịnh Vân Phong. Còn tại phường Vĩnh Trường cũng có hàng chục tàu thuyền đi khai thác ruốc biển. So với những nghề khác, khai thác ruốc cho thu nhập cao hơn nhiều. Vụ ruốc năm trước, mỗi ngư dân có thể kiếm được tiền triệu mỗi chuyến, nhưng năm nay hiệu quả giảm sút. Vì thế, tuy giá ruốc tươi khá cao nhưng ngư dân vẫn kém vui do sản lượng đạt thấp.

Bích La - Nam Anh

Báo Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!