Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, nhất là các đầm, vịnh trên địa bàn, năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quy định về quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Lờ dây – một trong những ngư cụ khai thác tận diệt thủy sản ven bờ, cần được đưa vào danh sách cấm hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, nghiêm cấm các hành vi khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc; cấm tất cả các nghề giã cào, cào sò khai thác thủy sản tại các vịnh: Cam Ranh, Nha Trang, Vân Phong và các đầm Thủy Triều, Nha Phu. Sau khi có quy định trên, tình hình hoạt động nghề cấm tại các vịnh, đầm trên địa bàn tỉnh đã giảm.
Theo đại diện Trạm Thủy sản Ninh Hòa, những năm trước, tình trạng cào sò, sử dụng ngư cụ bị cấm trên đầm Nha Phu và một số đầm, vịnh khác diễn ra rất rầm rộ. Chi cục Thủy sản đã tăng cường tuyên truyền, tuần tra, xử lý nên tình trạng này đã giảm. Tại Ninh Hòa, số phương tiện hoạt động nghề cào sò ở Ninh Lộc, Ninh Ích giảm nhiều.
Tuy nhiên, do lợi nhuận từ các nghề sử dụng ngư cụ bị cấm khá cao nên thời gian qua vẫn còn nhiều đối tượng hoạt động lén lút. Ông Nguyễn Tiến Vân – ngư dân xã Ninh Phú cho hay: “Cứ vào mùa sinh sản của các loài sò, người dân một số địa phương ven đầm Nha Phu lại kéo nhau đi cào sò theo kiểu tận diệt, khiến cho nguồn nước trong đầm bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mặc dù tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ xã Ninh Phú thường xuyên cho ghe ra xua đuổi, lực lượng của Chi cục Thủy sản cũng thường xuyên tuần tra nhưng các đối tượng vẫn lén lút khai thác”.
Một số ngư dân phường Cam Phúc Nam (TP. Cam Ranh) cho biết, những khi ghe cào sò hoạt động rầm rộ, đáy vịnh Cam Ranh bị cào xới, nguồn nước bị ô nhiễm rất nặng, cá tôm chết nhiều. Thời gian gần đây, nhờ lực lượng biên phòng, thanh tra thủy sản tăng cường tuần tra, kiểm soát nên tình trạng cào sò, giã cào trong khu vực vịnh Cam Ranh giảm hẳn. Tuy nhiên, tác hại của việc sử dụng các ngư cụ bị cấm đối với nguồn lợi thủy sản ven bờ rất lớn, do đó cần xử lý nghiêm để chấm dứt tình trạng cào sò, kích điện, giã cào, lờ dây để khai thác thủy sản.
Ông Trần Văn Cao – Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế Chi cục Thủy sản cho biết: “Nếu so với những năm trước thì tình trạng sử dụng ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản tại các vùng đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh đã giảm hẳn. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, lực lượng của Chi cục Thủy sản đã tổ chức 321 đợt tuần tra, kiểm tra trên các vùng biển của tỉnh, tiến hành kiểm tra 1.143 lượt phương tiện, chỉ phát hiện 28 trường hợp vi phạm. Qua xử phạt vi phạm hành chính đã tịch thu 9 tang vật vi phạm, chủ yếu là hoạt động nghề cấm, trong khi 9 tháng năm 2017 có tới hơn 100 trường hợp hoạt động nghề cấm bị xử lý”.
Theo ông Cao, hiện nay, các nghề sử dụng ngư cụ bị cấm thường có chi phí đầu tư thấp, trong khi lợi nhuận thu được khá nên ngư dân vẫn lén lút hoạt động. Mặt khác, những người làm nghề này chủ yếu có điều kiện kinh tế khó khăn nên vẫn bám nghề. Để tăng cường xử lý tình trạng sử dụng ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản, thời gian tới, Chi cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để ngư dân từ bỏ nghề cấm; bố trí tàu, ca-nô túc trực, tuần tra tại những khu vực thường xuyên có ghe, tàu hoạt động nghề cấm để xử lý kịp thời vi phạm. Chi cục cũng đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi quy định về quản lý khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh theo hướng mở rộng một số nghề cấm hoạt động trên địa bàn tỉnh như: giã cào sò, lờ dây, đăng nò… Bên cạnh các giải pháp này, cần thực hiện tốt việc tạo sinh kế, chuyển đổi nghề cho cộng đồng ngư dân ven biển.