Khánh Hòa: Thiếu hụt nguồn tôm hùm giống

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nguồn tôm hùm giống bắt ngoài tự nhiên đã gần như bị cạn kiệt. Do vậy, nhiều năm nay, người nuôi tôm hùm chủ yếu mua tôm giống trôi nổi, tỷ lệ hao hụt cao, năng suất chưa hiệu quả.

Nguồn tôm giống thả nuôi đang là vấn đề lớn đối với người nuôi tôm hùm ở đảo Bình Ba (xã Cam Bình, TP Cam Ranh). Hàng trăm nghìn tôm hùm con được ngư dân mua trôi nổi từ các thương lái để thả vào các ô lồng… Theo một người dân nuôi tôm hùm ở thôn Bình Ba Tây, gia đình ông vừa thả gần 50.000 con tôm hùm giống mua của thương lái nhập về từ Philippines, Singapore theo đường máy bay. Năm nay, dịch bệnh được kiểm soát nên tôm hùm giống về Việt Nam dễ hơn, giá cũng không còn đắt đỏ. Tuy nhiên, tôm giống cũng dao động từ 50.000 – 70.000 đồng/con. Tôm nhập về tất nhiên không thể khỏe như tôm hùm giống khai thác tự nhiên ở vùng biển Cam Ranh. Tôm giống tại chỗ có tỷ lệ sống đạt gần 100%, rất ít dịch bệnh, còn tôm hùm giống mua của thương lái tỷ lệ sống chỉ đạt 70%, có khi chỉ 50%…

Ông Lê Minh Hải, Trưởng phòng Kinh tế TP Cam Ranh, cho biết hầu hết người nuôi tôm trên địa bàn thành phố đều mua tôm hùm giống qua thương lái chứ không mua trực tiếp từ đơn vị có tư cách pháp nhân. Nhiều năm nay, cơ quan chức năng thành phố cũng không quản lý được nguồn nhập từ các thương lái. Nếu căn cứ vào nhu cầu thực tế thì mỗi năm có 22,5 triệu con tôm hùm giống được đưa về để phục vụ cho 45.000 lồng tôm trên địa bàn thành phố; nguồn tôm hùm giống trong tự nhiên chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu nuôi tôm hùm bông, còn tôm hùm xanh thì 100% phụ thuộc vào nguồn giống nhập từ nước ngoài.

Tôm hùm giống khai thác tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Ảnh: Phạm Linh

Với tình trạng nguồn tôm hùm giống ngoại nhập tràn lan, có nguy cơ gây ra dịch bệnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý tập trung hoạt động kiểm dịch tôm hùm giống. Mới đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với Chi cục Thú y Vùng IV (thuộc Cục Thú y), công an và các đơn vị liên quan kiểm tra các cơ sở kinh doanh tôm hùm giống nhập khẩu trên địa bàn TP Cam Ranh. Hiện nay, đa phần tôm giống được nhập từ Philippines, Indonesia và Singapore. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm. Nghiêm trọng nhất là hành vi nhập khẩu một số lượng lớn tôm hùm giống không giấy tờ, không đi qua cửa khẩu, không làm thủ tục hải quan theo quy định và gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, trong đợt triển khai cao điểm về kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ sở cách ly kiểm dịch tôm hùm giống nhập khẩu trên địa bàn TP Cam Ranh, đoàn kiểm tra đã kiểm tra 42 lô hàng với hơn 3 triệu con tôm hùm giống. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, đoàn phát hiện 3 lô tôm hùm giống vi phạm về kiểm dịch như: Đưa động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu về nơi cách ly kiểm dịch không đúng địa điểm, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật nhiều hơn số lượng, khối lượng ghi trong Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của nước xuất khẩu, không chấp hành thời hạn theo dõi cách ly kiểm dịch đối với động vật nhập khẩu. Đoàn kiểm tra đã tham mưu các cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y với số tiền 41 triệu đồng.

Trước thực trạng này, Sở NN&PTNT Khánh Hòa đã yêu cầu Chi cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu về việc phê duyệt Đề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025. Đồng thời, chỉ đạo thanh tra chuyên ngành kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển tôm hùm giống nhập khẩu vi phạm các quy định về quản lý chất lượng giống, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Sở cũng giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chủ trì, phối hợp với Chi cục Thủy sản và chính quyền địa phương phổ biến, triển khai chủ trương quản lý tập trung hoạt động kiểm dịch tôm hùm giống nhằm cung cấp tôm hùm giống bảo đảm chất lượng, sạch bệnh cho người nuôi. Đồng thời, kết hợp với hoạt động nghiên cứu về giống và nuôi tôm hùm để phát triển nghề nuôi tôm hùm theo hướng bền vững, hiệu quả, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu…

Để nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững, tỉnh cần tổ chức xây dựng được một chuỗi liên kết sản phẩm tôm hùm chất lượng, an toàn. Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu, chuyển đổi từ mô hình nuôi lồng sắt, gỗ truyền thống sang sử dụng vật liệu HDPE có sức chống chịu tốt với biến động môi trường và an toàn, phù hợp với định hướng nuôi ở vùng biển hở, vùng biển xa bờ.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!