Các tỉnh ven biển ĐBSCL thiếu ngư phủ trầm trọng do đội tàu khai thác biển tăng nhanh nhưng số lượng ngư phủ được đào tạo không theo kịp.
Ngư phủ giật tiền
Cửa biển Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) có đoàn tàu khai thác biển hơn 1.300 chiếc, chủ yếu tàu lớn, công suất máy mạnh, có khả năng khai thác xa bờ. Nhu cầu lao động trên những con tàu khoảng 15.000 người nhưng lao động nam ở đây đáp ứng chưa được một nửa.
Ông Từ Văn Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc nói: “Tranh chấp tiền bạc, mượn trước trả sau, thất hứa giữa ngư phủ với chủ tàu gây bức xúc dư luận. Đành rằng hợp đồng miệng, vẫn có giá trị, có thể xử lý nhưng chủ tàu cho ngư phủ mượn tiền, rồi không lên tàu, phát sinh thưa kiện nhưng bản thân chủ tàu cũng không biết rõ ngư phủ ở đâu thì việc xử lý rất khó khăn”.
Chủ tàu khai thác biển tại các cửa biển Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, Khánh Hội (Cà Mau), Gành Hào, Nhà Mát (Bạc Liêu), Trần Đề (Sóc Trăng) bị ngư phủ giựt bằng việc ứng tiền trước mỗi chuyến biển, không lên tàu ra biển, có người đến hàng trăm triệu đồng.
Đoàn tàu khai thác biển ở Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau)
Ông Trần Quốc Thái, chủ tàu ở khóm 1, thị trấn Sông Đốc, đưa ra hàng trăm giấy tờ tùy thân của ngư phủ như giấy CMND, thẻ hội viên đoàn thể. “Mỗi người mượn 3 – 4 triệu đồng để trang trải cho gia đình, mua sắm nhu yếu phẩm nhưng họ không lên tàu. Không có hợp đồng lao động, chỉ thỏa thuận miệng, khi bị giựt trình báo công an địa phương, cho cam kết trả, rồi không trả cũng hề cả làng”, ông Thái than thở.
Ông Nguyễn Tấn Biển ở Sông Đốc, có đội tàu 18 chiếc với hơn 200 lao động trên biển. Ông nói: “Gia đình tôi cất nhà cho ngư phủ ở, tạo công ăn việc làm cho vợ con họ. Thế nhưng cũng bị ngư phủ là lao động phổ thông, giựt mỗi năm vài trăm triệu đồng”.
Khát ngư phủ có nghề
Ngư trường trọng điểm trên vùng biển Tây – Nam đang có lượng tàu tăng đột biến sau bão số 5 (năm 1997). Trước đó, tỉnh Cà Mau có 3.182 chiếc tàu, tổng công suất 162.000 CV nhưng sau đó tăng lên 4.791 chiếc tàu, tổng công suất gần 444.000 CV. Nếu so sánh, số lượng tàu tăng 50%, tổng công suất tăng 174% và sản lượng đánh bắt bắt chỉ tăng 23%.
Các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau thống kê, có khoảng 30.000 lao động trên biển. Ông Võ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ và Khai thác Nguồn lợi Thủy sản Cà Mau nói: “Trình độ ngư phủ thấp, lao động trên biển dài ngày nên việc học nghề rất ít thời gian và tiếp thu kiến thức”. Thuyền trưởng và máy trưởng cũng chỉ 80% qua đào tạo.
Tại Bạc Liêu có 1.146 tàu khai thác biển, với hơn 7.100 lao động nhưng chỉ mới đào tạo được 2.000 người. Ông Lê Đồng Dương, Chi cục trưởng Chi cục BV&KTNLTS Bạc Liêu nói: “Tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề đã làm hạn chế hiệu quả khai thác biển”.
Chi cục trưởng Chi cục BV&KTNLTSCà Mau nói: “Năng suất đánh bắt ngày càng giảm, chi phí khai thác biển tăng, đời sống ngư dân ngày càng khó khăn hơn. Nguyên nhân xuất phát từ tay nghề lao động trên biển còn hạn chế”.
Ông Trần Minh Đặng ở khu vực 1, thị trấn Sông Đốc, (Trần Văn Thời, Cà Mau), cho biết, năm 1997, ông có một chiếc tàu, trang bị máy 56 CV. Sau đó, ông được đầu tư tàu khai thác xa bờ, khắc phục bão số 5 của gia đình có 11 chiếc tàu, trang bị máy từ 230 CV đến 350 CV: “Phần lớn ngư phủ là lao động phổ thông, không qua đào tạo, từ nhiều địa phương khác chuyển đến nên thường bị giựt tiền và năng lực lao động trên biển kém”.