Đầu năm mới, điều chung lớn nhất cho các dân tộc đều là cầu An. Cầu cho biển yên cũng là khẩn cầu lớn nhất của ngư dân. Để biển bớt giông bão, ngư dân cầu đất cầu trời. Để biển yên khỏi những nhân tai, phải cầu chính phủ các quốc gia đấu tranh để trả lại biển cho những ngư dân đích thực. Bởi ngư dân không thể làm ác, sống ác, đó cũng chính là lẽ cơ bản nhất để biển yên.
Nhớ một thời biển yên
Năm 1995, tôi theo ngư dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đánh bắt cá chuồn trên vùng biển Hoàng Sa. Chuyến đi thật vui, thật yên bình, một ngày giữa chuyến, bác ngư dân già (xin lỗi tôi đã quên tên) chỉ về dải cát xa xa bảo: Hoàng Sa đó. Ông bảo tôi “Chú muốn lên, tôi nói anh em cho lên chơi”. Hỏi lại đường từ tàu lên cũng mất chừng hơn 1 giờ, chơi, vào rồi ra cộng lại mất chừng 4 giờ, mất mẻ cá, thêm mấy chục lít dầu. Thèm thì có nhưng xót của, xót công của anh em lại thôi. Thêm mấy bận nhỡ chuyến đi biển cùng ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) thêm mấy lần nhỡ cơ hội lên Hoàng Sa. Cũng nghĩ đơn giản thôi, nhỡ lần này còn lần khác, biển trời của mình.
Khoảng vào trước năm 2005, đi biển yên bình lắm, ngư dân ra biển tuyệt không có mối lo về an ninh. Người đi biển chỉ cầu cho trời yên biển lặng, cầu Bà Cậu cho nhiều tôm cá. Không ai nghĩ đến nhân họa. Dân biển sự tín tâm lớn lắm, ngư dân nước nào cũng vậy, bởi thế có gặp nhau ngoài biển không bao giờ xử ác với nhau. Làm việc ác Biển Trời (Bà Cậu) phạt chết. Chuyện thấy người bị nạn trên biển là phải cứu, không cần biết họ là ai, quốc tịch nào “Không giúp thì mạt rệp, hết chuyến bỏ thuyền lên bờ đừng bao giờ xuống biển lại nữa”. Một ngư dân trẻ ở Phú Yên nói với tôi như thế trong chuyến đi biển năm 1998. Trong những chuyến đi biển tôi vẫn gặp những ngư dân thoát chết sau những ngày lênh đênh vì nhỡ ngã xuống biển, rồi được tàu nước này nước kia vớt lên. Gặp cả những ngư dân đã cứu vớt ngư dân nước khác, thậm chí bỏ cả chuyến biển để đưa nhóm ngư dân bạn về bờ, như một tàu cá ở Phú Yên đã từng làm khi cứu nhóm ngư dân Philippines. Nhóm này yếu quá vì bị vùi dập trong sóng gió lâu ngày. Dân biển là thế.
Ngư dân Phổ Thạnh đánh cá chuồn ở Hoàng Sa (chụp 1995)
Đến bây giờ ngư dân ta vẫn tổ chức theo kiểu đi bạn, gặp nhau kết lại rồi ra biển. Kiểu tổ chức nhóm dạng sơ khai nhất, không bền vững, nó cũng khẳng định một tâm thế chủ đạo: Ra biển kiếm con cá, chỉ thế thôi. Không ai nghĩ đến những bất trắc do con người. Nhìn lại con thuyền của ông cha ta, cũng có thể cũng thấy rõ điều đó. Con thuyền mê nan cùng chiếc thuyền thúng chai đưa ngư dân Việt ra biển. Những phương tiện ấy không hề có dấu ấn của sự chống đỡ hay tấn công ai được. Đơn thuần chỉ có năng lực mưu sinh, chống chịu sóng gió, chứ không chống chịu sức tấn công của con người. Trên biển đôi lần tôi cũng đã gặp những con thuyền của các ngư dân Indonesia, Philippines, Malaysia… thuyền ngư dân truyền thống của họ, tuy không giống thuyền ngư dân ta nhưng cũng đơn sơ, thuần túy để đánh bắt. Chúng ta đã sống bao đời trong vùng Biển Đông này bình yên, hiền hòa như thế.
Nhân tai hiểm ác
Tôi đã có một đêm kinh hoàng trên biển, lần đầu tiên nghĩ đến cái chết giữa mịt mùng biển đêm, lần đầu tiên nghĩ đến việc làm cách nào để dấu vết về mình sẽ được lưu giữ lại trong sóng gió. Ấy là đêm 26/6/2011 ở vùng biển phía Bắc Trường Sa trên tàu câu cá ngừ PY90479 TS của thuyền trưởng Phan Văn Giành cùng 9 bạn nghề ở tỉnh Phú Yên. 19 giờ, 6 chiếc thúng câu được thả xuống biển để anh em câu mực làm mồi cho mẻ câu bủa sau nửa đêm. Trước đó chừng 3 giờ, con tàu ốm của chúng tôi thêm một sự cố hỏng Icom, thành tàu câm, điếc. Chừng 20 giờ khi những chiếc thúng câu đã ở xa tàu khoảng 3 hải lý trên trời xuất hiện tiếng phành phạch của máy bay, rồi những chiếc đèn đỏ hiện ra ngay trên đầu chúng tôi như một bóng ma. Bóng ma ấy bay khá thấp áp tròn trên con tàu hăm dọa. Một vòng, hai vòng, rồi ba vòng, mỗi vòng siết chặt lại. Chắc chắn không phải máy bay dân sự, cũng không phải máy bay ta, nước mình nghèo đâu dễ chơi sang thế. Sợ, thú thực là rất sợ, 5 người còn lại trên tàu đều đổ ra boong ngóng lên bóng ma trên trời. Không thể tắt đèn bởi 6 ngư dân dưới biển sẽ mất hướng, cũng không thể nổ máy chạy, bỏ lại những người bạn ấy lại trong biển đêm. Bất lực. Sau chiếc máy bay ấy là gì, quả đạn rốc két, chiếc ca nô vũ trang… không có điều gì tốt lành cả. Lần đầu tiên trong cuộc đời làm nghề tôi buộc phải tính đến việc bảo tồn những tư liệu. Trở lại khoang tàu, giở ba lô đồ lấy ổ cứng máy tính, chiếc thẻ nhớ có hơn 1 ngàn tấm ảnh bọc vào một gói, hàn kín lại. Cho tiếp vào chiếc hộp sắt, lại dán kín lần nữa, viết tên tuổi, địa chỉ cả lớp trong lớp ngoài. Mang chiếc hộp gài vào một góc đuôi tàu nơi chúng tôi vẫn thường ngồi… toilet xuống biển. Chỗ ấy kín và chắc, hy vọng chiếc hộp sẽ như chiếc “hộp đen” mà về đến với mọi người.
Đã bao đời người ngư dân vẫn chung sống bình yên với nhau trên biển (Ảnh chụp tại gần đảo Thuyền Chài – quần đảo Trường Sa năm 2011)
Mọi người kể, ra biển bây giờ hay gặp tàu “lạ”, cũng là tàu cá nhưng rất lớn, ban ngày thì không sao nhưng ban đêm họ sẽ chiếu đèn pha sáng quắc, nổ máy “quẫy đuôi” tạo sóng xô tàu mình chao đảo. Xưa trên biển ngủ đâu cũng được, chỉ cần thắp ngọn đèn hiệu cho tàu khác tránh, giờ phải thức canh nếu không muốn bị đâm, nhất là gặp những chiếc tàu “ma” không đèn.
Đầu năm 2010, tôi đã xuống tàu cũng ngư dân ra đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, giữa chuyến đi, tàu quay lại, biển “không yên”. Biển không động mà bất yên vì nhiều tàu “lạ” hung hăng quá. Cách đây chục năm, ngư dân ta vẫn vào tận các đảo trên quần đảo Hoàng Sa, rồi gần đây bị đuổi đi. Rối tiếp đến không được vào các vùng lân cận. Giữa tháng 12-2015, tôi vào Đà Nẵng, gặp mấy bác ngư dân ở âu tàu Thọ Quang, các bác cho biết bây giờ tàu ta bị tàu Trung Quốc ngăn ngay ở vùng cách đảo khoảng 30 hải lý. Trong ngày đầu tiên của năm 2016, lúc giữa trưa tàu cá QNg 98459 cùng 10 ngư dân xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) bất ngờ bị đâm chìm trên vùng biển nằm giữa đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) và Hoàng Sa (Đà Nẵng). Phi lý quá, tàu ngư dân ta bây giờ bị đâm giữa thanh thiên bạch nhật, cái sự ngang xương theo kiểu “tao thế đấy, làm gì được tao”.
Trả lại biển cho ngư dân
Biển trước hết là nơi mưu sinh của ngư dân quanh vùng biển đó. Trên thế giới đâu ít những vùng biển nằm giữa vài hay cả chục quốc gia, không lẽ vì thế mà người ta cứ đâm nhau, phá nhau. Ngư dân không làm chuyện đó, chắc chắn thế dù họ mang quốc tịch nào hay theo tôn giáo nào.
Chúng ta đang nỗ lực để ngư dân ta có con tàu to hơn, an toàn hơn, nhưng có lẽ đó là chưa đủ, hay đúng hơn giải quyết phần ngọn. Tàu ta to, tàu họ to hơn, mạnh hơn, mang tính “chiến đấu” cao hơn. Cũng không thể hướng dẫn ngư dân ta “chiến đấu” trên biển bởi điều đó trái với lẽ sống của ngư dân. Làm gì cho biển yên. Biển thuộc về ngư dân, người trên bờ cần đấu tranh để biển thuộc về họ. Ngư dân sẽ ứng xử với nhau như muôn đời đã cùng sống với nhau trên biển: Cùng đánh bắt và giúp đỡ nhau trong hoạn nạn. Đó là cái tốt nhất cho mọi ngư dân, bởi biển cũng là “giả”, kiếm được miếng ăn trên biển không bao giờ là dễ, với bất cứ ngư dân nước nào. Hướng đến sự tranh đấu cũng là giảm khả năng mưu sinh, cái “giả” của biển, ngư dân sẽ nhận được tức thì, như luật nhân quả vậy.
Trở lại với vụ đâm tàu cá của Quảng Ngãi trưa ngày đầu tiên năm 2016. Sao có thể có hành động mà chỉ những mối huyết thù đại hận mà hành xử như vậy. Người bình thường không làm việc ấy, nhất là ngư dân – Những người, bước chân xuống tàu đã thấu sự che chở của Mẹ biển – không bao giờ làm việc đó. Việc đó chỉ có thể do những kẻ không phải ngư dân làm.
Đầu một năm mới – điều chung cho các dân tộc – lớn nhất đều cầu An. Cầu cho Biển Yên cũng là khẩn cầu lớn nhất của ngư dân. Để biển bớt đi dông bão ngư dân cầu đất trời. Để biển Yên khỏi những nhân tai phải cầu chính phủ các quốc gia đấu tranh để trả lại biển cho những ngư dân đích thực. Bởi ngư dân không thể làm ác, sống ác, đó cũng chính là lẽ cơ bản nhất để Biển Yên.
Ngày giáp Tết Bính Thân
Xuân Trường