(TSVN) – Nhằm đảm bảo hiệu quả tối đa trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển, một số địa phương nảy ra sáng kiến thúc đẩy sự tham gia cộng đồng ngư dân. Hiệu quả đã bước đầu được ghi nhận.
Phát biểu tại cuộc Hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia cộng đồng ngư dân trong công tác nghiên cứu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển” tổ chức tại TP Đà Nẵng đầu tháng 11 vừa qua; ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng, nhấn mạnh: “Việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học cần phải có sự chung tay của chính quyền, các nhà khoa học và những người hưởng lợi trực tiếp từ tài nguyên biển”.
Cần phải phát huy vai trò chủ thể của ngư dân trong hài hòa khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: ST
Trình bày tham luận tại Hội thảo trên, PGS.TS Hoàng Công Tín, Đại học Khoa học – Đại học Huế cho biết, Nghị quyết số 36-NQ/ TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đặt ra yêu cầu các địa phương ven biển phải có những chính sách bảo vệ và phục hồi các
hệ sinh thái ven biển. Để làm được điều này, các tỉnh buộc phải có dữ liệu nền và những công cụ tính toán, nhằm giúp cơ quan quản lý đưa ra chiến lược, quy hoạch sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển một cách hợp lý.
Việt Nam có hơn 3.200 km bờ biển, hệ thống sinh thái rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên trong những năm vừa qua việc khai thác quá mức đã dẫn đến nhiều vùng, nhiều nơi suy giảm nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến nguồn gen của các loài.
Nhiều năm qua, việc nghiên cứu hệ sinh thái và nguồn lợi sinh vật ở các vùng biển chưa được thực hiện đồng bộ, thiếu chiều sâu và thậm chí chỉ được thực hiện đơn lẻ ở một số đối tượng. Do đó, rất thiếu thông tin tổng thể về đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản. Chưa kể, khu vực nghiên cứu mang tính cục bộ và dữ liệu nằm rải rác trong nhiều báo cáo, dẫn đến khó khăn trong quản lý và chưa hỗ trợ được các chính quyền địa phương kịp thời đưa ra những quyết định hợp lý. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học biển hiện nay đòi hỏi cần thời gian, có tính liên tục và chi phí thực hiện cao. Vì vậy, việc phát huy vai trò của lực lượng ngư dân trong việc hỗ trợ thu thập dữ liệu với quy mô rộng lớn đang được coi là giải pháp đầy triển vọng, nhất là trong điều kiện nguồn kinh phí các dự án vẫn khá hạn hẹp.
TP Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong trong công tác quản lý tổng hợp vùng bờ và các hoạt động đó có sự tham gia của cộng đồng. Đến nay, địa phương đã xây dựng 4 tổ chức cộng đồng thực hiện quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các quận ven biển với 105 thành viên tham gia. Thành viên chính của tổ là ngư dân đánh bắt xung quanh khu vực rạn san hô tại Hải Vân và bán đảo Sơn Trà. Từ những “viên gạch” ban đầu này, thành phố có thể tiếp tục phát huy để hình thành nhóm khoa học công dân để đánh giá nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học ven bờ. Sau thử nghiệm thành công, có thể nhân rộng đến nhóm xa bờ.
Tại tỉnh Quảng Nam, địa phương thiết lập các câu lạc bộ bảo tồn biển các thôn tại Cù Lao Chàm, các tổ tuần tra cộng đồng tại Cẩm Thanh… Ông Lê Ngọc Thảo, Trưởng Ban thư ký Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, chia sẻ quyền, trách nhiệm cho cộng đồng và các bên liên quan trong quá trình thiết lập, vận hành là bài học đang được áp dụng hiệu quả trong hoạt động bảo tồn và phát huy danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển. Những ngư dân tham gia mô hình này đã thực sự trở thành các chuyên gia, đủ khả năng tập huấn và chuyển giao công nghệ cho các khu bảo tồn, địa phương khác trên cả nước. Sự tham gia của cộng đồng giúp cho Khu sinh quyển ngày càng phát triển nhưng không làm mất đi bản sắc của địa phương.
Còn tại Bình Định, ngành thủy sản tỉnh sẽ tổ chức lựa chọn 200 tàu cá, chủ yếu tàu cá thường xuyên ra vào khu vực cửa biển Quy Nhơn để thí điểm, sau đó nhân rộng ra toàn đội tàu cá xa bờ (gần 3.300 tàu) của tỉnh này. Các tàu cá sẽ được dự án cung cấp túi chứa rác kèm dụng cụ thu gom rác trên biển…
Những định hướng sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực ngư dân đang chứng minh tính hiệu quả và thiết thực. Đây là nguồn lực hỗ trợ hiệu quả trong việc thu thập dữ liệu đa dạng sinh học, cung cấp cơ sở dữ liệu quy mô rộng với chi phí được tiết kiệm một cách tối ưu.
Phạm Thu