Vào vụ mới, người nuôi cần chuẩn bị ao tốt, chọn con giống đảm bảo… để tạo điều kiện cho tôm nuôi phát triển. Dưới đây là một số kỹ thuật cần lưu ý.
Cải tạo ao nuôi
Ao nuôi sau khi thu hoạch xong cần tháo cạn nước, bắt sạch các loại tôm cá còn lại trong ao.
Vét lớp bùn đáy, tu sửa bờ ao, hệ thống cống, kênh cấp thoát nước và san sửa nền đáy ao (gạt mô cao, lấp chỗ trũng).
Bón vôi, bừa san phẳng đáy và làm cho vôi ngấm vào đáy, phơi khô nền đáy trước khi cấp nước. Trong trường hợp nuôi 2 vụ/năm: Sau mỗi vụ nuôi nên phơi đáy ao 1 – 2 tháng để tiêu diệt mầm bệnh và khoáng hóa đáy ao.
Sử dụng vôi bột từ 70 – 100kg/1.000m2 để tăng pH diệt mầm bệnh.
Chú ý: Người nuôi tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu hoặc thuốc có thành phần Cypermethrine để diệt tạp trong quá trình cải tạo ao nuôi.
Bón vôi, bừa san phẳng đáy ao, làm cho vôi ngấm vào đáy ao nuôi tôm – Ảnh: Phan Thanh
Cấp và xử lý nước
Cơ sở, hộ nuôi tôm phải có ao chứa lắng. Trước khi cho nước vào ao nuôi 15 ngày, lấy nước ngoài kênh cấp vào ao chứa qua túi lọc nhằm loại bỏ rác, các loại tôm, cá tạp…, để 3 – 4 ngày cho lắng trong.
Chạy quạt nước cho trứng giáp xác nở và tiến hành diệt tạp. Nếu dùng Chlorine thì dùng liều lượng 0,1 – 0,3 ppm để diệt khuẩn; liều lượng 30 – 35 ppm để diệt tạp. Nếu sử dụng Saponin thì theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Tiếp tục quạt nước từ 7 – 10 ngày rồi cấp vào ao nuôi đã được cải tạo kỹ.
Gây màu nước
Sau khi cấp nước vào ao nuôi 2 ngày, tiến hành gây màu nước bằng chế phẩm vi sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc dùng cám gạo, bột đậu nành ủ men bánh mì tạt xuống ao với liều lượng 20 – 30 kg/10.000 m3 nước vào lúc có nắng (9 – 10h sáng). Sau khi gây màu, tiến hành xử lý Dolomite với liều lượng 15 – 20 ppm từ 2 – 3 ngày liên tục để tăng hệ đệm trong ao nuôi.
Trước khi thả giống
Kiểm tra các yếu tố môi trường như: Độ mặn, độ kiềm, pH, độ kiềm, ôxy hòa tan… Khi các yếu tố đạt yêu cầu thì tiến hành thả tôm.
Đảm bảo cống thoát không rò rỉ, hệ thống quạt nước và cung cấp ôxy hoạt động tốt.
Chọn và kiểm tra tôm giống
Mua giống tại các đơn vị có uy tín, không mua tôm giống trôi nổi. Dù là giống tôm sú hay tôm thẻ chân trắng phải bắt buộc xét nghiệm đảm bảo âm tính với các bệnh như: đốm trắng, đầu vàng, Taura, …
Kiểm tra sức khỏe con giống bằng mắt tại trại giống bằng cách hạ độ mặn xuống dưới 10‰ ở nhiệt độ 20oC, sau đó cho khoảng 100 tôm giống vào. Sau 1 giờ nếu tỷ lệ sống >80% là tôm giống đảm bảo.
Hoặc kiểm tra tôm giống bằng sốc formol: cho 2ml formol vào 10 lít nước, thả 100 tôm Pl vào. Sau khoảng 10 – 15 phút, dùng tay khuấy nước tạo thành dòng chảy tròn trong chậu, tôm yếu và chết sẽ gom vào giữa chậu. Tôm đảm bảo chất lượng nếu tỷ lệ này đạt <=5%.
Mật độ thả nuôi
Mật độ thả nuôi phụ thuộc vào trình độ quản lý, tuy nhiên đối với tôm sú nuôi thâm canh, mật độ thích hợp từ 15 – 20 con/m2; nuôi bán thâm canh 8 – 14 con/m2; nuôi quảng canh cải tiến 5 – 7 con/m2.
Đối với tôm thẻ chân trắng: thả nuôi với mật độ từ 80 – 100 con/m2.
Nên thả con giống từ Pl 12 trở nên để đảm bảo tỷ lệ sống cao nhất.
Thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tuân thủ các nguyên tắc khi thả giống như: thuần nhiệt độ, không thả khi trời mưa, gió quá to…
Đoàn Quân
(Còn nữa)
>> “Kỹ thuật nuôi tôm hùm lồng và các biện pháp phòng trị bệnh” Tôm hùm là đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, được nuôi nhiều ở các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây nghề nuôi tôm hùm đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về dịch bệnh, từ đó ảnh hưởng đến đầu ra của tôm hùm nuôi. “Kỹ thuật nuôi tôm hùm lồng và các biện pháp phòng trị bệnh” của Th.S Võ Văn Nha, Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia – Bộ Thủy sản (cũ) sẽ giúp người nuôi tôm hùm có những kiến thức cần thiết. Qua 4 chương của cuốn sách, người nuôi tôm không chỉ biết những thông tin về các loài tôm hùm mà còn nắm được những kỹ thuật quan trọng như cách phân biệt các loại tôm hùm giống ở giai đoạn tôm trắng. Đây là một trong những kỹ thuật quan trọng khi nuôi tôm hùm cũng như các biện pháp quản lý nguồn chất thải, tăng cường dinh dưỡng cho tôm… Sách do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành. Tuấn Tú |