Việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá khai thác thủy sản đã được ngành chức năng quy định rất rõ. Tuy nhiên, công tác này đang gặp không ít khó khăn.
Tàu cá có chiều dài trên 15 m phải gắn thiết bị giám sát hành trình
Theo quy định tại Luật Thủy sản 2017 (có hiệu lực từ 1/1/2019), tất cả các tàu cá có chiều dài trên 15 m phải gắn thiết bị giám sát hành trình để quản lý trong quá trình khai thác trên biển. Đây cũng là một trong nhưng yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) nhằm gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam về chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp; nhiều địa phương ven biển đã tích cực triển khai phổ biến tuyên truyền đến nhiều ngư dân.
Đại diện Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, theo lộ trình của tỉnh, các tàu cá có chiều dài 24 m trở lên bắt buộc phải tự lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 15/3/2109. Đối với các tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 15/6/2019. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm quản lý tàu khai thác trên biển, đồng thời thông suốt về thông tin liên lạc để chủ động trong các tình huống cứu nạn, cứu hộ, thông tin về ngư trường, thời tiết… Thiết bị sẽ được đồng bộ hóa; khi tàu thuyền ra khơi, hệ thống tự động báo về trạm bờ mỗi tiếng một lần để quản lý, giám sát. Theo thống kê, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 131 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, chủ yếu tại các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà… Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 26 tàu được lắp thiết bị giám sát hành trình nhưng chưa được tự động hóa cần phải nâng cấp.
Trong thực tế, nhiều chủ tàu cá cũng không mặn mà bởi họ nghĩ rằng việc đầu tư thiết bị hành trình chỉ để quản lý, giám sát chứ không mang lại lợi ích trong việc khai thác, đánh bắt hải sản. Mặt khác, một số tàu thuyền khai thác gần bờ, đi về trong ngày nên nhiều ngư dân cho rằng có thể chủ động trong công tác thông tin liên lạc, chưa đồng tình việc lắp đặt thiết bị do tốn kém chi phí.
Để việc lắp đặt được triển khai có hiệu quả, các địa phương cần phải vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn nữa, giảm tình trạng tàu cá vi phạm, để nhanh chóng khắc phục được những khuyến nghị mà phía EU đưa ra.
Kiên Giang là một trong những tỉnh ven biển có lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhiều nhất; hiện địa phương đang khẩn trương triển khai các quy định trong Luật Thủy đến ngư dân, chủ tàu. Đến cuối tháng 3, những tàu cá có chiều dài từ 24 m nước trở lên không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì tỉnh sẽ không cho đăng kiểm, không cấp giấy phép khai thác và kiên quyết không cho ra khơi. Theo thống kê, toàn tỉnh đã đăng ký và lắp đặt được hơn 370 máy giám sát thiết bị hành trình; Chi cục Thủy sản tỉnh chỉ cấp giấy phép tạm đến cuối tháng 3. Sau tháng 3, hơn 600 tàu có chiều dài hơn 24 m nước phải lắp đặt thiết bị hành trình và đến tháng 6, những tàu từ 15 m trở lên cũng phải lắp thiết bị này. Những tàu không lắp thiết bị hành trình sẽ không cấp giấy phép khai thác thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện các phương tiện sau khi lắp đặt khi ra khơi thì mạng trong bờ kết nối ngoài khơi tốt; đơn vị sẽ tập trung quyết liệt cho đến 31/3 hoàn thành việc lắp đặt cho tàu
có chiều dài 24 m trở lên. Cùng đó, việc quản lý các phương tiện cũng như nguồn gốc xuất xứ thủy sản thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ NN&PTNT tỉnh đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu về quản lý cũng như xác định được vị trí, toạ độ và nguồn gốc xuất xứ của thủy sản và hiện nay cơ bản đi vào nề nếp.
>> Xã Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) có 385 phuơng tiện khai thác thủy sản, trong đó 185 tàu công suất trên 90 CV. Trong số này hơn 50% bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tuy nhiên, đến nay mới có 60 phương tiện được lắp đặt, còn lại chưa thể thực hiện. |