Theo Luật Thủy sản (chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019), quy định về tiêu chuẩn xác định tàu khai thác thủy sản (KTTS) xa bờ sẽ được tính trên cơ sở chiều dài của tàu (15m trở lên) thay cho tính theo công suất (90CV trở lên) như hiện nay. Quy định này sẽ giúp việc phát triển đội tàu KTTS xa bờ của tỉnh có bước phát triển mới, nâng cao tính chuyên nghiệp, song trước mắt cũng gặp không ít khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ.
Tàu KTTS xa bờ của ngư dân phường Tân An, TX Quảng Yên.
Theo đại diện Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, nếu theo tiêu chuẩn cũ, đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã có 670 tàu KTTS xa bờ, vượt 70 tàu so với số lượng tàu KTTS xa bờ quy hoạch cho năm 2020. Tuy nhiên, nếu theo tiêu chuẩn mới thì toàn tỉnh chỉ có 206 tàu, giảm hơn 2/3 và đạt trên 35% chỉ tiêu phát triển đội tàu KTTS xa bờ tính đến năm 2020.
Trong những năm gần đây, tốc độ phát triển đội tàu KTTS xa bờ của tỉnh khá nhanh so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, trung bình mỗi năm tăng thêm từ 70-100 tàu. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, với tốc độ phát triển này vẫn không đủ để hoàn thành mục tiêu 600 tàu KTTS xa bờ của tỉnh đề ra đến năm 2020.
Chi phí đóng mới tàu KTTS xa bờ khá cao, từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng, nên để đạt số lượng như chỉ tiêu đề ra thì đây sẽ là khoản đầu tư không nhỏ mà không phải cứ muốn là làm được. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản khai thác xa bờ, vốn là đối tượng được khuyến khích khai thác so với thủy sản khai thác gần bờ, đồng thời cũng là lĩnh vực mang lại giá trị cao cho ngành kinh tế thủy sản nói chung.
Hiện nay ngư trường ven biển và vùng lộng của Quảng Ninh đang phải chịu áp lực lớn với hơn 7.000 tàu hoạt động KTTS. (Trong ảnh: Tàu khai thác ven bờ của TX Quảng Yên)
Bên cạnh đó, đối với các tàu đủ tiêu chuẩn KTTS xa bờ theo quy định cũ nhưng không đủ tiêu chuẩn mới, sẽ không được vận hành ở ngư trường xa mà chỉ được khai thác tại các vùng ngư trường ven biển và vùng lộng. Điều này chắc chắn sẽ gây áp lực lớn cho các vùng ngư trường này, nhất là trong tình hình toàn tỉnh đang tập trung thực hiện mục tiêu về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường tự nhiên.
Ông Hà Vân Giang, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Các tàu KTTS xa bờ theo tiêu chuẩn cũ có công suất thấp nhất từ 90CV trở lên, cao từ 3 đến hàng chục lần so với đội tàu khai thác ven biển, vùng lộng hiện nay, đồng thời có thiết bị hiện đại hơn. Việc này đồng nghĩa với khả năng di chuyển, thời gian và sản lượng khai thác của đội tàu nâng cao lên tương đương, từ đó khiến ngư trường bị quá tải, cạn kiệt nguồn lợi, thiếu sự phát triển bền vững.
Mặc dù gặp những khó khăn trên, tuy nhiên việc phát triển đội tàu KTTS xa bờ theo tiêu chuẩn mới với chiều dài tối thiểu từ 15m trở lên tại Quảng Ninh cũng có những lợi thế nhất định. Từ ngày 1/1/2019, người dân khi đóng mới tàu KTTS xa bờ sẽ đủ điều kiện hưởng các chính sách hỗ trợ hiện hành phù hợp của tỉnh, trung ương, thay vì không được hưởng chính sách nào như hiện nay, do số lượng tàu KTTS xa bờ (theo tiêu chuẩn cũ) đã vượt quá quy hoạch, các đơn vị chức năng không cấp giấy chấp thuận đóng mới.
Những tàu như trong ảnh đều có công suất trên 90CV, song chiều dài của tàu dưới 15m, không đủ tiêu chuẩn khai thác xa bờ theo quy định mới.
Việc phát triển đội tàu KTTS xa bờ theo tiêu chuẩn mới sẽ nâng cao mức độ đảm bảo an toàn, sản lượng khai thác, hiệu quả kinh tế khi hoạt động tại các ngư trường xa, vùng biển khơi. Đây cũng là yêu cầu, quy luật tất yếu, nâng cao tính chuyên nghiệp trong KTTS xa bờ, đảm bảo tính phát triển bền vững và nâng cao giá trị cho toàn ngành.
Chính bởi vậy, ngay từ lúc này, các đơn vị chức năng, địa phương cần có các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân, đồng thời tham mưu UBND tỉnh triển khai những chính sách phù hợp trong hỗ trợ, định hướng việc đóng mới tàu theo tiêu chuẩn mới cũng như xử lý số lượng tàu chưa đạt chuẩn đang có, qua đó đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản như đã đề ra.