Dù tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với nghề giã cào ven bờ nhưng thực tế hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản theo kiểu tận diệt vẫn tái diễn và có chiều hướng phức tạp trên địa bàn tỉnh.
Ngư dân Tam Thanh liên tục bị mất, rách lưới và ngư cụ đánh bắt do hoạt động của các tàu giã cào ven bờ. Ảnh: H.LIÊN
Khai thác tận diệt
UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho ngành chức năng và địa phương xử lý, kiểm soát chặt chẽ đối với phương tiện hành nghề giã cào nhưng tại nhiều vùng bãi ngang ven biển Tam Thanh (Tam Kỳ), Tam Tiến, Tam Hòa (Núi Thành), hoạt động khai thác giã cào ven bờ vẫn tái diễn phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn lợi thủy hải sản. Nhiều ngư dân đánh bắt truyền thống vùng ven bờ mất lưới, ngư cụ do các tàu giã cào gây ra, liên tục kiến nghị yêu cầu dừng hoạt động các tàu giã cào.
Ông Đinh Cao Sơn (thôn Hòa Hạ, xã Tam Thanh) cho biết, những năm trước, mỗi tháng thời điểm này, ông thu được cả tấn ghẹ thì nay chỉ còn gần nửa tấn. Còn ông Võ Văn Thảo (49 tuổi, thôn Hòa Hạ) kể: “Ghe tôi nhỏ, chỉ 2 – 3 người đánh bắt ghẹ gần bờ, mỗi năm chi phí xong kiếm được 50 – 60 triệu đồng, nay ước chỉ còn 20 – 30 triệu là cùng”. Ông Sơn, ông Thảo cho rằng, nguyên nhân khiến nguồn lợi suy giảm nghiêm trọng chính là hoạt động càn quét của các đội giã cào. “Họ sử dụng tàu công suất lớn, quét tới đáy, không con gì thoát được. Nhiều tàu còn sử dụng đèn pha công suất cực mạnh, gây hủy diệt nguồn lợi thủy sản và môi trường biển” – ông Thảo nói.
Gần đây, có nhiều ngư dân ở Tam Thanh liên tục bị mất lưới, ngư cụ hoặc rách lưới, hỏng ngư cụ cũng bởi các đội giã cào càn quét. “Họ quét luôn cả ngư cụ đánh bắt của tôi ở vùng lộng và ven bờ. Tôi thường xuyên bị cuốn lưới, ngư cụ, mỗi lần mất tiền triệu. Nhiều lần báo với lực lượng chức năng nhưng chẳng ăn thua. Có lần, vì xót của, tôi cho thuyền bám theo tàu giã cào, yêu cầu họ trả lại ngư cụ, thiết bị do vướng lưới tàu giã cào. Mong các cơ quan có chức năng giúp ngư dân ngăn chặn, xử lý các tàu giã cào để bảo vệ nguồn lợi ven bờ” – ông Thảo nói thêm.
Ông Lê Văn Thể – Trưởng thôn Hòa Hạ cho biết, cả thôn có khoảng 50 hộ khai thác nhỏ lẻ ven bờ với nghề câu mực, đánh lưới, nhiều hộ đã chuyển đổi nghề bởi nghề khai thác ven bờ thiếu ổn định, bền vững. Nhiều ngư dân không mặn mà đánh bắt xa bờ vì chi phí lớn, dễ rủi ro. Nghề giã cào có lợi nhuận cao nên số lượng phương tiện hành nghề cũng nhiều. “Chính quyền thôn nhiều lần tiếp nhận kiến nghị của dân trong thôn vì liên tục mất lưới, ngư cụ do các tàu giã cào, đã báo đến UBND xã Tam Thanh và Đồn Biên phòng Tam Thanh” – ông Thể nói.
Khó xử lý triệt để
Tam Tiến là xã có nhiều phương tiện hành nghề giã cào. Các tàu giã cào Tam Tiến ban ngày khai thác xa bờ, ban đêm hoạt động gần bờ. Giã cào có 2 loại: giã đôi (2 thuyền), giã đơn (1 thuyền). Theo ông Nguyễn Bảy (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến), nghề giã cào giúp ngư dân đổi đời. “Nhiều người chấp nhận bị bắt và phạt tiền vẫn hành nghề giã cào. Bởi muốn họ bỏ nghề, Nhà nước phải hỗ trợ chuyển đổi nghề, quy định cụ thể vùng khai thác cho dân” – ông Bảy nói.
Ông Trần Nhất Cư – Trưởng thôn Long Thạnh (xã Tam Tiến) cho biết: “Thôn có hơn 300 người làm nghề biển, chiếm 90% dân số. Toàn thôn có 60 chiếc tàu nhưng có 30 chiếc hành nghề giã cào. Năm 2018, có 2 tàu giã cào công suất trên 90CV bị phạt vì khai thác ven bờ. Vẫn còn tình trạng ngư dân hành nghề giã cào nhưng khai báo không chính xác ngành nghề. “Địa phương đã vận động bà con hạn chế đánh bắt bằng nghề giã cào nhưng vì sinh kế, nhiều người vẫn khai gian, chấp nhận phạt tiền để hành nghề vì sinh kế. Chính quyền chỉ có thể tuyên truyền nhằm giảm, hạn chế tàu giã cào nhưng không thể yêu cầu nông dân dừng hẳn việc khai thác” – ông Cư chia sẻ.
Theo Đồn Biên phòng Tam Thanh, khu vực xã Tam Thanh, Tam Tiến và Tam Hòa có tổng cộng hơn 200 phương tiện đánh bắt thủy hải sản có công suất tàu từ 20CV đến 300CV với khoảng 1.100 lao động. Trong đó, gần 90 phương tiện tại 3 xã hành nghề giã cào. Trung tá Bùi Văn Đức – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Thanh cho biết, Đồn Biên phòng Tam Thanh đã nhận được nhiều kiến nghị, tin báo của người đánh bắt ven bờ vì tàu giã cào. Người dân rất bức xúc vì thường xuyên bị mất và hư hỏng lưới, ngư cụ. Song khó khăn là nghề giã cào cũng là một trong những nghề truyền thống ở các xã trên, lâu nay chưa có quy định cụ thể cấm hẳn đánh bắt nghề này nên rất khó xử lý.
Trung tá Bùi Văn Đức cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đồn Biên phòng Tam Thanh đã xây dựng kế hoạch trọng điểm tăng cường phối hợp với Biên đội tàu của Hải đội 2, Chi cục Thủy sản Quảng Nam trang bị lực lượng, phương tiện kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý phương tiện hoạt động giã cào ven bờ biển Tam Thanh nhằm xử lý các chủ tàu và phương tiện đánh bắt trái phép.
Hoàng Liên – Phương Phương
Theo Báo Quảng Nam