Nhằm hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, hạn chế rủi ro khi tham gia khai thác thủy sản; Nghị định 67 đã ra đời kịp thời với những chính sách ưu đãi đặc biệt; trong đó đáng lưu ý là bảo hiểm cho ngư dân đang được gấp rút triển khai.
Hỗ trợ kịp thời
Hầu hết ngư dân chưa tham gia bảo hiểm khai thác, một phần vì thủ tục phức tạp, một phần do yếu tố tâm lý “mua bảo hiểm là mua trước sự rủi ro”. Bởi vậy, nhiều năm liền, bảo hiểm trong lĩnh vực thủy sản vẫn chỉ nằm trong ý niệm, khá mờ nhạt.
Thực trạng này tồn tại đã nhiều năm, không hẳn do ngư dân ít mặn mà với việc mua bảo hiểm, mà còn bởi chính doanh nghiệp cũng ngại cung cấp bảo hiểm cho ngư dân, vì rủi ro trong lĩnh vực này quá lớn. Nhìn ra những bất cập này, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân thông qua Nghị định 67/2014/NĐ-CP, với những cơ chế đặc biệt, trong đó có chính sách bảo hiểm linh hoạt dành cho đối tượng đặc biệt này.
Theo Nghị định 67, ngân sách nhà nước hỗ trợ hằng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; hỗ trợ hằng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư cụ trên mỗi tàu (bảo hiểm mọi rủi ro) với mức 70% kinh phí đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90 CV đến dưới 400 CV và 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính 400 CV trở lên.
Doanh nghiệp sẵn sàng vào cuộc
Theo Nghị định 67, các công ty bảo hiểm sẽ hỗ trợ tối đa cho chủ tàu và ngư dân tham gia bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Doanh nghiệp nhận bảo hiểm tai nạn thuyền viên trên cơ sở danh sách khai báo của chủ tàu về số lượng thuyền viên thực tế – được xác nhận của UBND cấp xã mà không cần liệt kê tên từng thuyền viên. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho thuyền viên bị tai nạn có tên trong danh sách thuyền viên do Biên phòng xác nhận (khi tàu xuất – nhập bến) hoặc do UBND cấp xã xác nhận (khi tai nạn xảy ra trong lúc tàu ở trong bến) theo Bảng chi trả tiền bồi thường do Bộ Tài chính quy định.
Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt Nguyễn Quang Phi cho biết, cơ quan quản lý nhà nước đã khảo sát, đánh giá, làm việc với các địa phương, cơ quan chức năng và ngư dân để nắm bắt khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành hai thông tư hướng dẫn.
Như vậy, hành lang pháp lý để triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa chính sách bảo hiểm tàu cá đã đầy đủ, cụ thể. “Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thực hiện theo các hướng dẫn này; đồng thời, phát huy kinh nghiệm triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trước đây. Việc triển khai chính sách bảo hiểm tàu cá sẽ theo nguyên tắc “làm tới đâu chắc tới đó”, luôn rút kinh nghiệm và bổ sung để bảo đảm đúng tính chất phục vụ ngư dân theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Tài chính”, ông Phi chia sẻ.
Trao đổi với báo giới mới đây xung quanh việc triển khai Nghị định 67, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, NHNN cùng các ban ngành chức năng đang nỗ lực hết sức để chính sách hỗ trợ ngư dân sớm vào cuộc sống. “Những vướng mắc sẽ sớm được tháo gỡ, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn cho ngư dân vay đóng mới tàu, yên tâm vươn khơi bám biển”, ông Đông nói.
Về việc triển khai chính sách bảo hiểm khai thác cho ngư dân, đến thời điểm này, các doanh nghiệp bảo hiểm đã sẵn sàng vào cuộc, nhưng các hợp đồng bảo hiểm ký được với ngư dân vẫn chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Vì sao thế? Ở đây đang gặp vấn đề “con gà có trước hay quả trứng có trước”. Việc triển khai cho ngư dân vay đóng tàu đã được gấp rút tiến hành; tuy nhiên, số tiền giải ngân vẫn khiêm tốn. Mới có 1 – 2 hợp đồng được ký; đó cơ bản cũng là nhờ sự quyết liệt, linh hoạt của ngân hàng. Đa số trường hợp đều đang phải chờ UBND tỉnh, thành phố xem xét hồ sơ, duyệt tiêu chuẩn để được tiếp cận vốn ưu đãi theo Nghị định 67. Chỉ sau khi hồ sơ được duyệt, ngư dân mới tính chuyện xem mẫu tàu, đặt hàng và chờ 1 – 2 năm mới có thể hạ thủy, đưa vào khai thác.
>> Để ngư dân sớm tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, sớm tiếp cận được chính sách bảo hiểm mà Chính phủ đã ban hành, cần sự vào cuộc nhanh và đồng bộ hơn nữa từ các bộ, ngành, cơ quan chức năng, đặc biệt công tác xét duyệt hồ sơ tại địa phương. |