Trao đổi với NNVN, Cục Thú y khẳng định không có chuyện chủ hàng, chủ tầu được cấp giấy chứng nhận (GCN) kiểm dịch để XK nguyên liệu vào VN.
Nhiều container cá ngừ NK gián tiếp qua cảng trung chuyển bị ách tắc
Thời gian qua, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc nhiều container cá ngừ NK gián tiếp qua cảng trung chuyển bị ách tắc, do việc sửa đổi Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thuỷ sản (sau đây gọi là Thông tư số 36).
Cục Thú y cho hay, quá trình sửa đổi, bổ sung để ban hành Thông tư số 36 đã thực hiện đúng quy định, quy trình, bài bản.
Căn cứ vào Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018, Chính phủ giao Bộ NN-PTNT nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về xếp loại DN và sản phẩm trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với thủy sản NK tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 (gọi tắt là Thông tư số 26) theo nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên; Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 23/10/2017; Quyết định số 2522/QĐ-BNN-PC ngày 29/6/2018 của Bộ NN-PTNT, trong đó giao Cục Thú y xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26; Công văn số 5570/BNN-PC ngày 23/7/2018 của Bộ NN-PTNT về việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (để thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cải cách phương thức kiểm tra chuyên ngành). Cục Thú y đã tổ chức nhiều cuộc họp để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản và thực hiện đầy đủ các quy định về việc ban hành Thông tư số 36 theo đúng quy định.
Việc ban hành Thông tư số 36 đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho việc kiểm dịch NK động vật thủy sản, sản phẩm động vật thủy sản từ các nước vào Việt Nam theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, cụ thể: Đã cắt giảm 160 dòng hàng (theo mã HS) là sản phẩm động vật thủy sản không phải kiểm dịch/tổng số 450 mã HS hàng hóa phải kiểm dịch theo quy định tại Thông tư số 26, chiếm tỷ lệ 35 % mã HS hàng hóa đã được cắt giảm.
Thực hiện việc kiểm dịch, lấy mẫu kiểm tra theo nguyên tắc phân loại sản phẩm, quản lý rủi ro trên cơ sở mức độ nguy cơ đối với sản phẩm động vật thủy sản NK: Sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ thấp (đã qua chế biến) được cắt giảm 80% số lô hàng phải lấy mẫu. Sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ cao (sản phẩm ở dạng sơ chế, tươi sống, đông lạnh, ướp lạnh) thực hiện lấy mẫu của 03 lô hàng liên tiếp, nếu kết quả kiểm tra đạt yêu cầu cũng cắt giảm 80% số lô hàng phải lấy mẫu.
Chủ hàng được đưa hàng về kho bảo quản trong khi chờ kết quả kiểm tra. Giảm chỉ tiêu kiểm tra, xét nghiệm so với trước đây theo từng nhóm sản phẩm động vật thủy sản (vi dự như: Nhóm sản phẩm thủy sản tươi sống/đông lạnh/ướp lạnh cắt giảm 2/6 chỉ tiêu kiểm tra (giảm 33,33%); nhóm sản phẩm thủy sản sơ chế cắt giảm 3/7 chỉ tiêu kiểm tra (giảm 42,85 %); nhóm sản phẩm thủy sản chế biến cắt giảm 4/8 chỉ tiêu kiểm tra (giảm 50%); không thực hiện kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản đã chế biến chín, đóng bao bì kín khí, có nhãn mác theo quy định và sử dụng để ăn ngay.
Đồng thời bổ sung quy định đối với sản phẩm động vật thủy sản NK gián tiếp từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài chuyển tải tại các cảng trung chuyển của quốc gia khác về VN theo đúng quy định chống đánh bắt bất hợp pháp của Ủy ban châu Âu.
Về một số ý kiến khác nhau trong quá trình lấy ý kiến ban hành Thông tư số 36, Cục Thú y cho hay, trong quá trình lấy ý kiến để ban hành Thông tư số 36, hầu hết các tổ chức, cá nhân đều đồng tình với nội dung dự thảo Thông tư vì đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho các DN về cắt giảm thủ tục hành chính, kinh phí, thời gian,… Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến thủy sản xuất khẩu (VASEP) và một số DN NK nguyên liệu cá ngừ để gia công chế biến XK còn có một số ý kiến như:
Về việc lấy mẫu kiểm tra đối với sản phẩm động vật thủy sản làm nguyên liệu để tiếp tục chế biến tiêu thụ nội địa, VASEP đề nghị không lấy mẫu để kiểm tra đối với nhóm sản phẩm này, nhưng cơ quan soạn thảo không tiếp thu với các lý do thực tế các nước trên thế giới vẫn lấy mẫu kiểm tra sản phẩm động vật thủy sản làm nguyên liệu để chế biến tiêu thụ nội địa. Việc lấy mẫu kiểm tra hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế; sản phẩm động vật thủy sản làm nguyên liệu sẽ ồ ạt nhập khẩu vào VN, cạnh tranh giá cả với sản phẩm trong nước, gây ảnh hưởng lớn cho người nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; nguy cơ cao dịch bệnh thủy sản xâm nhiễm vào VN, nhất là các bệnh chưa xuất hiện ở nước ta và sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành nuôi trồng thủy sản trong nước.
Về cấp GCN kiểm dịch XK cho các lô hàng nguyên liệu thủy sản từ các nước NK vào Việt Nam để gia công, chế biến XK: VASEP và các Cty NK cá ngừ từ các tàu chuyển tải tại các cảng trung chuyển của nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất XK (Cty Thực phẩm A Man Da Việt Nam; Cty CP Thủy sản Bình Định; Cty Hải Nam; Cty TNHH Thịnh Hưng; Cty TNHH Toàn Thắng; Cty TNHH Cá Ngừ Việt Nam) đề nghị bỏ thành phần hồ sơ: “Bản sao chụp có xác nhận của DN Giấy tờ do cơ quan thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp với các nội dung: xác nhận chính xác loại sản phẩm thủy sản, ngày bốc dỡ sản phẩm, tên tàu; sản phẩm thủy sản được giữ nguyên trạng, không trải qua các công đoạn nào khác ngoài hoạt động bốc dỡ; điều kiện lưu giữ sản phẩm và được cơ quan chức năng giám sát đối với sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu gián tiếp từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài chuyển tải tại các cảng trung chuyển của quốc gia khác về Việt Nam” thay bằng “GCN kiểm dịch phát hành bởi nhà cung cấp/chủ tàu”.
Lý do, loại giấy tờ này khó có thể xin vì nhiều cảng trung chuyển có thể ở các đảo quốc không có cơ quan nào phụ trách vấn đề này. Tuy nhiên, theo quy định của Ủy ban Châu Âu (tại Điều 14 Quy định số 1005/2008) thì việc yêu cầu giấy tờ này là bắt buộc để truy xuất nguồn gốc, chống đánh bắt bất hợp pháp, “GCN kiểm dịch phát hành bởi nhà cung cấp/chủ tàu” không thể thay thế giấy tờ do cơ quan thẩm quyền quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp.
Để tạo hành lang và cơ sở pháp lý cho các DN NK loại hình này, cũng như cơ quan chức năng thực thi pháp luật, Cục Thú y đã báo cáo Bộ NN-PTNT đưa nội dung này vào quy định tại điểm g khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT
Cụ thể, “Trường hợp sản phẩm động vật thủy sản NK gián tiếp từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài chuyển tải tại các cảng trung chuyển của nước ngoài về VN thì ngoài các tài liệu quy định tại các điểm a, c, d và e của khoản này, DN bổ sung Bản sao Giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp (có xác nhận của DN). Nội dung giấy xác nhận thể hiện các thông tin sau: tên; số đăng ký, quốc gia treo cờ của tàu đánh bắt và tàu vận chuyển; tên loại sản phẩm thủy sản, số lượng, thời gian bốc dỡ, địa điểm bốc dỡ,điều kiện lưu giữ sản phẩm, sản phẩm thủy sản được giữ nguyên trạng, không trải qua các công đoạn nào khác ngoài hoạt động bốc dỡ.”
Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc quy định tại Thông tư số 36 đối với các lô hàng cá ngừ của các DN VN thu mua từ các tàu chuyển tải tại các cảng trung chuyển của nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất XK phải có “Giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp” là phù hợp với quy định của Uỷ ban Châu Âu (tại Điều 14 số 1005/2008 ngày 29/9/2008 về thiết lập hệ thống trong cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xoá bỏ các hoạt động khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định).
Do vậy, việc đề nghị của Hiệp hội VASEP và các DN VN (thu mua cá ngừ từ các tàu chuyển tải tại các cảng trung chuyển của nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất XK) quy định để chủ hàng hoặc chủ tầu cấp GCN kiểm dịch XK các lô hàng cá ngừ là không hợp với quy định của Ủy ban Châu Âu.
Lê Tuấn
Theo Báo Nông Nghiệp