Ứng dụng công nghệ trong ngành thủy sản là xu thế tất yếu, để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Duy Phong – CEO Công ty CP Tép Bạc.

PV: Ông bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thủy sản như thế nào? Điều gì đã thúc đẩy ông chọn lĩnh vực này và thành lập Tép Bạc?

Năm 2012 là thời điểm mà tepbac.com chính thức ra đời. Mục tiêu ban đầu của chúng tôi là mang đến những thông tin kỹ thuật để hỗ trợ nông dân có được những góc nhìn chính xác hơn trong ngành NTTS.

 

Thật khó để nhớ chính xác một câu chuyện cụ thể, nhưng điều đáng nhớ nhất là khi chúng tôi bắt đầu, mục tiêu chính chỉ là chia sẻ những gì mình biết, kết nối với các chuyên gia để mang lại kiến thức hữu ích cho người nuôi. Điều bất ngờ là Tép Bạc đã nhận được rất nhiều sự đón nhận và quan tâm từ cộng đồng.

 

Ngoài ra, đam mê công nghệ đã thôi thúc tôi mang những công nghệ tiên tiến ứng dụng trong ngành thủy sản. Tôi tin rằng công nghệ là chìa khóa để giải quyết những khó khăn mà người nuôi gặp phải. Ngành thủy sản từ trước đến nay có rất nhiều giải pháp, nhưng chưa thể giải quyết triệt để các vấn đề gốc rễ.

PV: Ông có thể nói thêm về sản phẩm và hệ sinh thái của Tép Bạc? Hệ sinh thái này bao gồm những sản phẩm nào và giải quyết được những khó khăn gì của thị trường thủy sản Việt Nam?

Ban đầu, ý tưởng của chúng tôi là phát triển phần mềm quản lý trại nuôi. Khi tiếp xúc nhiều hơn với thị trường và người nông dân, tôi nhận thấy khó khăn lớn nhất của họ là không thể tính toán chính xác họ đang lời hay lỗ. Phần mềm quản lý trại nuôi giúp người nông nhân ghi nhật ký hàng ngày, quản lý trang trại, theo dõi kỹ thuật và đặc biệt là biết được chi phí và lợi nhuận từ lúc bắt đầu nuôi đến khi thu hoạch.

 

Chúng tôi phát triển các thiết bị tự động hóa trong ao nuôi để kiểm soát rủi ro, kết hợp với phần mềm quản lý. Hệ sinh thái của chúng tôi bao gồm giải pháp công nghệ, phòng xét nghiệm kiểm tra ao nuôi dựa trên khoa học, hỗ trợ lựa chọn vật tư đầu vào và giúp người nuôi bán sản phẩm đầu ra.

 

Tép Bạc mong muốn xây dựng một hệ sinh thái giúp người nuôi giảm bớt sự phụ thuộc vào kinh nghiệm, thay vào đó là quản lý ao nuôi bằng công nghệ. Hệ sinh thái này sẽ giúp người nuôi dễ dàng hơn, ổn định và bền vững hơn.

PV: Khi đưa công nghệ vào nông trại, ông thấy rào cản lớn nhất là gì? Đối mặt với những thách thức này, ông và đội ngũ của mình đã làm gì để vượt qua?

Đưa công nghệ đến với nông dân thực sự là một thách thức lớn. Đây là một ngành rất truyền thống và người nông dân thường khó tiếp cận với công nghệ mới. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để phát triển các sản phẩm và giải pháp công nghệ. Chúng tôi phải tạo ra những sản phẩm thực sự mang lại giá trị cho họ, nhưng đồng thời phải đảm bảo rằng các sản phẩm này đơn giản và dễ sử dụng.

 

Thực ra, nói người nuôi tôm không chịu tiếp nhận công nghệ mới cũng không hoàn toàn đúng. Họ sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới nếu thấy người xung quanh làm được và thành công. Khi họ thấy những người khác đã áp dụng và đạt hiệu quả, họ sẽ tự tin và bắt đầu áp dụng theo. Điều quan trọng là phải tạo được niềm tin và minh chứng rõ ràng về hiệu quả của công nghệ.

PV: Ông có thể giải thích cách công nghệ giúp cải thiện phần đầu ra và tiêu thụ của sản phẩm thủy sản như thế nào?

Công nghệ của Tép Bạc được thiết kế để đáp ứng hiệu quả những yêu cầu ngày càng cao trong ngành thủy sản, bao gồm chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và phúc lợi động vật. Chúng tôi cải thiện chất lượng sản phẩm bằng cách ứng dụng công nghệ giám sát và phân tích dữ liệu, tối ưu hóa quy trình sản xuất và chăm sóc vật nuôi.

 

Chúng tôi hiểu rằng, nhu cầu trước mắt của người nông dân là sản xuất đủ số lượng để bán được hàng. Vì vậy, Tép Bạc tập trung vào việc tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tổn thất. Khi đã đạt được sự ổn định về số lượng, chúng tôi hỗ trợ tiếp bằng cách giới thiệu các giải pháp cải thiện chất lượng và đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

 

Tép Bạc áp dụng phương pháp tiếp cận từng bước, từ cải thiện hiệu quả sản xuất cơ bản đến nâng cao chất lượng và trách nhiệm xã hội. Điều này giúp người nông dân nhận thấy giá trị thực sự của công nghệ và khuyến khích họ áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn.

 

Truy xuất nguồn gốc và phúc lợi động vật là những yếu tố quan trọng trong việc định hình giá trị sản phẩm trên thị trường quốc tế. Công nghệ của chúng tôi không chỉ giúp đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt của các thị trường toàn cầu mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng nhất và tính minh bạch trong quy trình sản xuất.

PV: Theo ông, ngành thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, có phải là một lĩnh vực đáng để khởi nghiệp không? Ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ và các nhà khởi nghiệp khi bước vào ngành này?

Ngành thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, thực sự là một lĩnh vực đáng để khởi nghiệp. Khởi nghiệp thường gắn liền với việc giải quyết các vấn đề khó khăn và ngành thủy sản có rất nhiều thách thức. Những thách thức này tạo ra cơ hội cho giải pháp mới và sáng tạo. Trong khi các ngành đã ổn định thường khó có cơ hội khởi nghiệp, ngành thủy sản vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ.

 

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải chuẩn bị kỹ lưỡng và giải quyết được những khó khăn của ngành. Khó khăn thường đi kèm với cơ hội và chỉ khi bạn vượt qua được những thách thức này, bạn mới có thể nắm bắt được cơ hội. Ai cũng muốn công việc nhẹ nhàng, nhưng những người thành công thường là những người chấp nhận gian khổ và giải quyết tốt các khó khăn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nội dung: Oanh Thảo

Ảnh: TSVN

error: Content is protected !!