T2, 06/07/2020 12:40

Không để “tàu 67” mắc lỗi

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo thống kê, cả nước hiện đã có 557 tàu cá đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp theo Nghị định 67 của Chính phủ đi vào hoạt động. Hầu hết các tàu đã phát huy hiệu quả khi vươn khơi, tuy nhiên một số tàu vỏ thép đã không được hoàn thiện như mong muốn.

Sàn tàu đóng chưa đầy năm đã gỉ sét toàn bộ   Ảnh: Đ.T

Sàn tàu đóng chưa đầy năm đã gỉ sét toàn bộ Ảnh: Đ.T

Những chuyến biển “hỏng”

Hạ thủy vào ngày 22/8/2016, tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99004 TS (811 CV) của ngư dân Nguyễn Văn Lý (SN 1963) ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ, Bình Định) tính đến nay đã đi được 4 chuyến biển. Nhưng do con tàu được đóng không phù hợp với nghề lưới vây nên mỗi khi lưới được bủa xuống là cuốn hết vào chân vịt. Gỡ lưới mất thời gian, lưới lại rách hết nên chẳng đánh bắt gì được, chuyến biển nào tàu của ông Lý cũng bị lỗ tổn. Ông Lý than thở: “Đóng xong chiếc tàu cá vỏ thép tui còn nợ ngân hàng 13,6 tỷ đồng, cứ ngỡ sẽ làm ăn khấm khá. Nào ngờ 4 chuyến biển đầu tiên nó đã “hại” tui bị lỗ gần 500 triệu đồng”.

Cận cảnh tàu cá vỏ thép BĐ 99567 TS (811 CV) của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (61 tuổi) ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ, Bình Dịnh) đang nằm bờ tại Cảng cá Đề Gi thuộc xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định), không khỏi ngạc nhiên khi chiếc tàu này mới đóng chưa đầy năm mà toàn bộ phần vỏ thép đều đã gỉ sét nghiêm trọng. Hầm chứa dầu thì bị rò rỉ, nước biển tràn vào không thể sử dụng. Toàn bộ ống, van đều bị gỉ sét. Bánh lái thì bung hẳn ra ngoài, chủ tàu phải hàn tạm để hoạt động nhưng không biết gay sự cố lúc nào. Hệ thống máy bảo ôn trong hệ thống làm lạnh theo thiết kế là thiết bị của Đức hoặc Ý, nhưng ở đây lại lắp đặt thiết bị Made in China. “Kể cả thép đóng tàu cũng không được làm bằng thép Hàn Quốc hay Nhật Bản như trong hợp đồng, mà Công ty Đại Nguyên Dương dùng thép Trung Quốc để đóng. Con tàu có giá thành đến gần 16 tỷ đồng mà không hoạt động được, thiệt thảm!”, ông Mạnh than thở.

Tháo gỡ

Tại cuộc đối thoại Sở NN&PTNT Bình Định ngày 5/5 vừa qua, đại diện các đơn vị đóng tàu cho rằng tàu nhanh xuống cấp, hư hỏng máy và trang thiết bị là do ngư dân không biết vận hành và bảo dưỡng tàu. Đến 9/5, Sở NN&PTNT Bình Định phối hợp cùng các ngân hàng thương mại, 2 đơn vị đóng tàu, chính quyền địa phương các huyện Phù Cát và Phù Mỹ một lần nữa kiểm tra lại chi tiết hư hỏng từng con tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng. Tại cuộc họp ngày 10/5, Sở NN&PTNT Bình Định báo cáo kết quả: Vỏ của cả 5 chiếc tàu vỏ thép do đơn vị này đóng đều đã bị bong tróc, gỉ sét nặng; hệ thống đường van, ống bị gỉ sét, hầm bảo quản thoát nước kém; hầm bảo quản của 5 chiếc tàu đều thoát nước kém, hệ thống lạnh không tốt, 2 tàu có hệ thống lái bị hư hỏng là tàu ông Nguyễn Văn Mạnh và ông Nguyễn Văn Lý.

Về việc sử dụng thép đóng tàu, đại diện Công ty Đại Nguyên Dương cũng đã thừa nhận việc nhà máy đã thay thế thép Hàn Quốc/Nhật Bản bằng 1 số thép Trung Quốc MAC A đủ điều kiện đóng tàu và được cơ quan đăng kiểm cho phép. Ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, sự cố xảy ra với những tàu vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương và Công ty Nam Triệu đóng là bài học “xương máu” của ngư dân trong vấn đề lựa chọn đơn vị đóng tàu.  

Không chỉ tại Bình Định, một số “tàu 67” tại Phú Yên cũng gặp sự cố. Tàu cá của ông Phan Văn Trị ở KP.6, P.Phú Đông, TP.Tuy Hòa, đã ký hợp đồng đóng tàu với liên danh Công ty CP đầu tư phát triển thủy sản Đông Á và Công ty TNHH MTV đóng tàu Phà Rừng với thiết kế tàu lưới chụp từ tháng 9/2016; đến tháng 2/2017, tàu cá của ông Trị đi biển chuyến thứ ba thì bị gãy cây sào chụp lưới trước mũi, làm thiệt lại 71 bóng đèn nên phải đưa vào bờ sửa chữa và đến ngày 16/3, tàu cá của ông Trị tiếp tục ra khơi chuyến thứ tư thì bị sự cố ở cần cẩu, đập vào mặt làm ông Trị bị hỏng mắt phải. Vì liên tục gặp sự cố nên tính chung 4 chuyến biển, tàu cá của ông Trị lỗ gần 600 triệu đồng.

Trước phản ánh của một số địa phương về việc tàu 67 gặp sự cố, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển tổng rà soát lại các cơ sở đóng tàu đảm bảo đủ điều kiện theo quy định, Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm về việc đánh giá và công bố cơ sở đóng tàu vỏ thép đủ điều kiện trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn ngư dân, chủ tàu trên địa bàn các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật đối với tàu cá, công tác duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép theo quy định tại Thông tư 27 và các văn bản liên quan. Các tỉnh, thành tổ chức đào tạo, hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật đối với tàu cá, công tác duy tu, sửa chữa tàu cá tại địa phương theo phân cấp quản lý. Có biện pháp quản lý, giám sát chủ tàu thực hiện nghiêm việc kiểm tra an toàn kỹ thuật đúng thời hạn.

>> Ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định): “Phải “phẫu thuật” tất cả những con tàu hư hỏng để tìm ra “bệnh”. Nếu tình trạng gỉ sét là do đóng thép kém chất lượng không đúng như trong hợp đồng thì phải thay lại toàn bộ cho ngư dân. Thậm chí phải “đại phẫu thuật”, những thiết bị không làm theo hợp đồng phải được thay thế lại như hợp đồng đã ký”.

Vũ Đình Thung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!