Đã đến vụ cá Nam nhưng nhiều tàu thuyền vẫn chưa thể ra khơi vì tìm không có đủ số bạn thuyền đi cùng.
Ngành khai thác hải sản của tỉnh Bình Thuận đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực. Nhiều chủ tàu lâm vào cảnh khó khăn do không tìm được bạn thuyền đi biển.
Nhiều ghe thuyền ở Phan Thiết phải nằm bờ do thiếu bạn thuyền
Đây là thời điểm tỉnh Bình Thuận chuẩn bị bước vào vụ cá chính trong năm, mà ngư dân thường gọi là vụ cá Nam. Thế nhưng, hoạt động đánh bắt hải sản lúc này lại khá trầm lắng. Tại Phan Thiết, thuyền vẫn còn neo đậu dày đặc hai bên bờ sông Cà Ty. Nhiều tàu thuyền vẫn chưa thể ra khơi vì tìm không có đủ số bạn thuyền đi cùng.
Ông Ngô Văn Nuôi (trú tại phường Hưng Long), chủ của một tàu cá làm nghề mành chà, mấy ngày qua đang chạy đôn chạy đáo tìm cho đủ 16 lao động mới có thể xuất bến ra khơi.
Cứ mãi nằm chờ, công việc làm ăn của chủ phương tiện và các bạn thuyền gắn bó bị đình trệ. Một số chủ tàu buộc phải ra khơi với số lao động ít ỏi trên tàu. Thậm chí, đã có nhiều trường hợp do không tìm được người lao động, neo bờ quanh năm suốt tháng, không có tiền bù lỗ chi phí, buộc phải bỏ nghề. Ông Nguyễn Văn Tì ở phường Bình Hưng là một trong số đó. Tháng 3 vừa qua, ông Tì đã bán chiếc tàu cá 200 mã lực và cả bộ ngư lưới cụ. Ông Tì buồn bã: Kiếm người mà kiếm không ra, nên đậu ghe ở nhà. Mà ở nhà lâu ngày quá, kiếm người không ra nữa thì bắt buộc ăn lần ăn mòn, lỗ quá, rồi cũng bán ghe luôn”.
Để người lao động biển bám trụ với nghề cần nâng cao hiệu quả khai thác, tăng thu nhập
Theo ngư dân địa phương, lúc trước nghề biển ở Bình Thuận rất thịnh, bạn thuyền không khi nào thiếu và luôn gắn bó với chủ phương tiện. Nhưng bây giờ ngư trường cạn kiệt, nghề biển khó làm ăn, chỉ sau nhiều chuyến thất bát, nhiều lao động nản chí bỏ nghề đi tìm việc khác ở trên bờ để có thu nhập ổn định hơn.
Ông Trần Văn Ngơ, một lão ngư có hơn 50 năm làm nghề biển ở Phan Thiết cho biết: “Hồi xưa người đi biển đông, giờ người ta nghĩ nhiều rồi. Thanh niên giờ không có kẻ học việc, không có người nhỏ nhỏ xuống dưới biển nữa đâu. Nó nghỉ hết. Họ ở trên bờ làm thợ Honda, thợ hồ, hoặc nghề gì đó… thu nhập cố định hơn. Còn nghề biển hồi có hồi không, bấp bênh”.
Bên cạnh lớp trẻ không còn mặn mà với nghề truyền thống của cha ông mình, tình trạng thiếu lao động biển còn do nhiều yếu tố khác tác động. Có thể thấy trình độ và kỹ thuật khai thác hải sản hiện nay của Bình Thuận cũng như cả nước còn mang tính thủ công, nên đòi hỏi có nhiều lao động tham gia. Một tàu khai thác trung bình cần từ 15 đến 20 lao động biển. Trong khi đó ở các nước tiên tiến, một tàu khai thác của họ không cần nhiều người vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật nghề cá.
Ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết : để giải quyết tình trạng khủng hoảng lao động biển trước hết Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chuyển đổi, cơ cấu lại ngành nghề đánh bắt hải sản. Đã đến lúc chúng ta phải chọn lọc phát triển nghề nào có định hướng, phân vùng phân tuyến khai thác hợp lý hơn. Qua công tác khuyến ngư, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ ngư dân về khoa học kỹ thuật để tăng hiệu quả kinh tế của mỗi chuyến đánh bắt. Một khi có thu nhập ổn định, người bạn lao động mới gắn bó với nghề, với chủ phương tiện.
Ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận
Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có hơn 7.400 tàu thuyền hành nghề khai thác hải sản với khoảng 38.000 lao động. Nhưng chỉ có khoảng 30% người lao động biển ở địa phương thực sự bám nghề truyền thống một cách vững chắc. Còn lại khoảng 70% lao động mang tính thời vụ, không có sự gắn bó lâu dài với nghề. Nếu như bài toán nâng cao hiệu quả khai thác hải sản và ổn định đời sống của ngư dân chưa được Nhà nước quan tâm đúng mức, thì tình trạng khan hiếm lao động nghề biển ngày càng trở nên trầm trọng hơn, khi ấy kinh tế biển của Bình Thuận, một thế mạnh của tỉnh rất khó phát triển một cách bền vững.