Khuyến ngư Cần Thơ nhìn từ thực tiễn

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm qua, hoạt động khuyến ngư của thành phố Cần Thơ luôn bám sát kế hoạch định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố; đồng thời, chú trọng nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả dựa trên điều kiện phát triển thực tế của địa phương.


Phát triển đi liền định hướng

Theo đề án phát triển chương trình nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020, Cần Thơ sẽ phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng áp dụng cho vùng ven với tốc độ đô thị hóa cao; tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp phù hợp điều kiện nông hộ… Bên cạnh đó, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa kỹ thuật cao trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; ứng dụng tiến bộ KHKT, tạo ra sản phẩm chất lượng gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới; Để hoàn thiện các tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân và hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Trong lĩnh vực thủy sản, sản xuất giống và trình diễn mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao và an toàn sinh học được áp dụng đối với một số chủng loại cá tra, tôm càng xanh, cá sặc rằn, thát lát, rô phi đơn tính dòng gift, cá trê. Sản xuất  chế phẩm vi sinh phục vụ xử lý ao, ruộng nuôi thủy sản. Các dịch vụ cung cấp, chuyển giao công nghệ sản xuất giống mới, sản phẩm mới chất lượng cao…

Bà Nguyễn Thị Hồng Điểu, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Cần Thơ cho biết, từ năm 2012 đến nay, công tác khuyến ngư tập trung vào tập huấn kỹ thuật sản xuất các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt, lợ; triển khai mô hình khuyến ngư trình diễn; thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới phòng trị dịch bệnh.

Các mô hình khuyến ngư hiệu quả được tỉnh Cần Thơ nhân rộng – Ảnh: Ngọc Trinh

 

Vướng mắc thị trường

Các mô hình khuyến ngư áp dụng kỹ thuật mới, tiến bộ khoa học được Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thủy sản Cần Thơ triển khai như mô hình tôm – lúa, nuôi lươn trong bể lót bạt áp dụng VietGAP, cá thát lát nuôi gièo cho ăn thức ăn viên, cá chạch lấu, cá cảnh…

Đánh giá chung về hiệu quả từ các mô hình trên, bà Nguyễn Thị Hồng Điểu chia sẻ, khi thực hiện triển khai các mô hình trình diễn, cán bộ khuyến nông và các kỹ thuật viên đã xuống tận địa phương trực tiếp hướng dẫn người dân thực hành, tư vấn kỹ thuật. Nhờ đó, hầu hết mô hình cho hiệu quả cao, được người dân địa phương học tập và làm theo.

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ cho biết, mô hình tôm càng xanh – lúa được người dân thực hiện ở đây từ nhiều năm nay. Thấy được lợi ích và hiệu quả, vài năm nay Chi cục đã thực hiện mô hình trình diễn. Kết quả, vụ lúa đông xuân đạt 20 – 30 triệu đồng, tôm đạt 50 – 60 triệu đồng. Mỗi năm 1 ha tôm – lúa cho lợi nhuận đạt 70 – 100 triệu đồng. Đánh giá mô hình, ông Trần Thanh Hải cho biết, mặc dù lợi nhuận mô hình tôm càng xanh – lúa cho hiệu quả không quá cao, song bền vững, an toàn với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Năm nay, Chi cục tiếp tục triển khai trên diện tích 10 ha. Mô hình nuôi cá chạch lấu cũng vừa được thực hiện trên diện tích 2.000 m2, hiện cá phát triển tốt.

Mặc dù các mô hình hiệu quả, nhưng để nhân rộng thì thời gian tới cần giải quyết vấn đề thị trường. Chính vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Hồng Điểu, ngoài việc căn cứ khả năng phát triển và thích nghi của đối tượng nuôi địa phương, còn phải chú ý vấn đề đầu ra để chọn triển khai các mô hình trình diễn. Một số khó khăn khác như: Sau khi kết thúc mô hình trình diễn, một số hộ nông dân cũng ngừng thực hiện, không tiếp tục triển khai nên việc nhân rộng còn khó…

>> Theo Sở NN&PTNT Cần Thơ, thành phố quy hoạch mở rộng diện tích nuôi thủy sản lên 26.000 ha (đến năm 2020), tăng 13.000 ha so hiện nay, sản lượng đạt 335.000 tấn, trong đó, xuất khẩu 160.000 tấn, trị giá 1 tỷ USD trở lên.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!