Khuyến ngư Quảng Ninh: Nhân rộng không dễ

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhiều mô hình khuyến ngư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh thí điểm thành công, mang lại hiệu quả tích cực, được thị trường đánh giá cao. Tuy nhiên, nhân rộng những mô hình này là việc không đơn giản.

Hiệu quả các mô hình

Bên cạnh chú trọng hoạt động khuyến nông, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh đầu tư hỗ trợ phát triển các mô hình khuyến ngư. Những năm qua, tỉnh đã tạo điều kiện cho các địa phương triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất: ưu đãi nguồn vốn vay cho nông ngư dân trong hoạt động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp… Nhờ vậy, một số thương hiệu, sản phẩm đã trở thành hàng hóa được thị trường đón nhận, giúp nông dân nâng cao thu nhập (như: mực Cô Tô, chả mực Hạ Long, tu hài Vân Đồn, cua biển Quảng Yên…).

Ông Thiều Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Ninh cho biết: Năm 2013, toàn tỉnh đã triển khai gần 60 mô hình khuyến nông, khuyến ngư. Năm 2014 triển khai nhiều mô hình khuyến ngư mới. Các mô hình đang triển khai được đánh giá là có năng suất và hiệu quả cao, khi đưa vào thử nghiệm đều được nông dân tích cực tham gia thực hiện.

Để phát huy thế mạnh nghề nuôi trồng thủy sản trong tỉnh, thời gian qua nhiều mô hình thử nghiệm được triển khai trên lĩnh vực này, như mô hình nuôi cá hồng mỹ trong ao tại các vùng nuôi tôm sú bỏ hoang, với mức thu 150 triệu đồng/ha (sau khi trừ chi phí nhân công, thức ăn). Sau khi thành công ở phường Minh Thành, Tân An (thị xã Quảng Yên), mô hình đang được nhân rộng tại các vùng nuôi tôm hiệu quả thấp ở Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đang phát huy thế mạnh tại Quảng Ninh – Ảnh: CTV

Mô hình nuôi cá đối mục thương phẩm trong ao, cho lãi gần 70 triệu đồng/hộ/0,5 ha. Từ năm 2012 đến nay, ở thị xã Quảng Yên đã có gần 20 hộ nuôi, nhiều hộ nuôi đạt năng suất trên 8 tấn/ha.

Chuyển đổi đất nông nghiệp năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, tỉnh đã đưa những đối tượng tiềm năng vào khai thác (như cá rô phi, cá lăng vàng…). Mô hình cá rô phi được triển khai trên nhiều địa phương tại Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên…; doanh thu bình quân 345 triệu đồng/ha; lợi nhuận 60 – 80 triệu đồng/ha.

Ông Thiều Văn Thành cho biết: Hầu hết các mô hình sản xuất mới được triển khai thực hiện ở các địa phương thời gian qua đã đi đúng hướng, không phải đầu tư nhiều nhưng hiệu quả cao, được nhân dân đón nhận. Đặc biệt, qua các mô hình khuyến ngư đã thu hút được hàng vạn nông dân, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, nghề nghiệp tham gia, góp phần thúc đẩy quá trình xã hội hóa công tác khuyến nông.

 

Khó nhân rộng

Cũng theo ông Thiều Văn Thành, nhu cầu, đòi hỏi của sản xuất ngày càng cao nhưng do nguồn lực đầu tư có hạn dẫn tới việc đầu tư dàn trải, phân tán, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ và tác động rõ ràng đến đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nông, ngư dân.

“Hầu hết các mô hình khuyến ngư được thực hiện đều thành công nhưng chắc chắn việc nhân rộng sẽ không dễ dàng, do chưa có cơ chế hỗ trợ sau mô hình, định mức kinh phí cho công tác chuyển giao trong mô hình quá thấp…”, ông Thiều Văn Thành nhận định.

Bên cạnh đó, khi các mô hình mới được triển khai thực hiện, các hộ nông dân đều được hỗ trợ vốn, giống và kỹ thuật, do đó nhiều nông dân tham gia mô hình cốt để được nhận hỗ trợ, làm xuất hiện tư tưởng ỷ lại và trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước nên sau khi kết thúc chương trình cũng không tiếp tục bỏ vốn để sản xuất.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân ảnh hưởng đến việc nhân rộng các mô hình như cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu và yếu kém, nông dân gặp khó khăn khi mua giống về sản xuất và bán sản phẩm do việc thông tin thị trường cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm.

Để những mô hình khuyến ngư được thực hiện có hiệu quả và ngày càng nhân rộng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu đối tượng nuôi, các đơn vị xây dựng mô hình cần gắn với thị trường và hình thành mối liên kết sản xuất.

>> Ông Vương Văn Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Quảng Ninh cho biết: 6 tháng đầu năm 2014, sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 14.300 tấn, bằng 102% so cùng kỳ năm 2013, tăng 42% so kế hoạch. Trong đó nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ 12.700 tấn, nuôi nước ngọt 2.025 tấn. Diện tích nuôi thủy sản 10.100 ha, đạt 100% kế hoạch.

Hải Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!