Từ khi ra đời đến nay, lực lượng Kiểm ngư luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu, là chỗ dựa vững chắc của ngư dân trên biển.
Tích cực hoạt động
Theo ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, năm 2019 đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam, trong bề dày lịch sử của ngành thủy sản, lực lượng Kiểm ngư ra đời đến nay cũng được 60 tháng hoạt động. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ tổ chức ra mắt vào ngày 15/4/2014, 5 năm vừa qua là quãng thời gian để Kiểm ngư xây dựng lực lượng, tổ chức bộ máy, xây dựng chế định Kiểm ngư, cho ra đời lực lượng Kiểm ngư địa phương …
5 năm qua, Cục Kiểm ngư luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thuộc Tổng cục, lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển…; Tham mưu với Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan xây dựng đường dây nóng, hợp tác nghề cá giữa Việt Nam với Trung Quốc, Brunay… và kiểm tra kiểm soát ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Tuyên truyền giáo dục pháp luật thủy sản cho hàng nghìn lao động nghề cá; ngăn chặn tàu lạ xâm phạm vùng biển Việt Nam. Thực hiện cứu nạn, cứu hộ cho tàu cá/ngư dân Việt Nam và nước ngoài bị tai nạn trên biển; phòng chống giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong năm 2018, Cục Kiểm ngư đã phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo triển khai 129 đợt tuần tra, điều động 151 lượt tàu, xuồng kiểm ngư thuộc Chi cục Kiểm ngư Vùng và Chi đội Kiểm ngư; Tổng số tàu cá đã quan sát là: 48.836 lượt chiếc, trong đó tàu cá Việt Nam: 8.610 lượt chiếc, tàu cá nước ngoài 40.226 lượt chiếc. Tổng số tàu cá đã kiểm tra là: 1.576 lượt chiếc, trong đó tàu cá Việt Nam: 1.522 chiếc, tàu cá nước ngoài 54 chiếc. Tổng số tàu cá vi phạm đã kiểm tra và xua đuổi là: 1.905 lượt chiếc, trong đó tàu cá Việt Nam: 1.162 chiếc, tàu cá nước ngoài 743 chiếc. Lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 355 trường hợp (tăng 125% so năm 2017), chuyển các cơ quan có thẩm quyền xử phạt và trực tiếp thu nộp ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng.
Tổ chức hơn 30 đợt hoạt động tìm kiếm cứu nạn; điều động 29 lượt tàu kiểm ngư, 2 xuồng công tác với 800 lượt kiểm ngư viên tham gia. Kết quả, kịp thời cứu nạn được 13 tàu cá (kéo 10 tàu bị hỏng máy trôi trên biển về bờ, đảo an toàn; khắc phục hỏng máy chính cho 3 tàu cá), với 157 ngư dân (cứu chữa 18 ngư dân bị tai nạn lao động; đưa 139 ngư dân trên tàu bị nạn vào bờ).
Trong quá trình hoạt động, Lực lượng Kiểm ngư luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo ngư dân.
Tích cực phối hợp
Năm 2017, Luật Thủy sản mới ra đời, trong đó điểm đổi mới so với Luật Thủy sản năm 2013 là hình thành lực lượng Kiểm ngư ở Trung ương và 28 tỉnh ven biển với chức năng thực thi pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan đối với các hoạt động trên lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam. Từ đó, Kiểm ngư có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Kiểm ngư đã tham mưu cho Tổng cục Thủy sản trình Bộ NN&PTNT Quyết định số 27/QĐ-BNN-TCTS ngày 5/10/2018 về việc ban hành tài liệu hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của EU. Đến nay đã có 20/28 tỉnh thành lập văn phòng kiểm soát.
Để gỡ “thẻ vàng” của EU ngoài các công việc thực thi pháp luật trên biển, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục hướng dẫn ngư dân là nhiệm vụ quan trọng mà bắt đầu từ 2019 Kiểm ngư sẽ chú trọng hơn. Cụ thể, Cục sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân các quy định mới liên quan đến hoạt động khai thác hải sản trên biển. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị truyền thông nhằm nâng cao nhận thức ngư dân về việc thực hiện đánh bắt đúng pháp luật…
Nhiệm vụ trọng tâm
Năm 2019, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh việc ưu tiên, hiện đại hóa lực lượng thực thi pháp luật trên biển; Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực, khẳng định Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, được tổ chức từ Trung ương xuống địa phương.
Hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập ngành thủy sản (1959 – 2019) và 5 năm ra mắt lực lượng Kiểm ngư, Cục Kiểm ngư xác định các nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 như sau:
Tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện chuyên ngành kiểm ngư: Tham mưu Tổng cục/Bộ văn bản hướng dẫn 28 tỉnh, thành phố ven biển thành lập Kiểm ngư địa phương theo Đề án đã được Ban cán sự Đảng Bộ NN&PTNT phê duyệt. Tiếp tục tham mưu Tổng cục/Bộ đề nghị Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao bổ sung biên chế công chức thuyền viên tàu kiểm ngư cho các Chi cục Kiểm ngư Vùng, để đảm bảo điều kiện cần thiết về nhân lực cho các tàu kiểm ngư hoạt động trên biển. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyển dụng công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP theo chỉ tiêu biên chế được giao. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ chuyên ngành.
Tập trung công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và chống đánh bắt IUU: Chỉ đạo Chi cục Kiểm ngư Vùng I, Chi cục Kiểm ngư Vùng V tổ chức tốt các đợt tuần tra tại vùng biển Vịnh Bắc bộ, Cửa Vịnh Bắc bộ và vùng biển Tây Nam bộ theo kế hoạch đã được phê duyệt. Tiếp tục tổ chức triển khai tốt Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách để khắc phục cảnh báo của EU về chống khai thác IUU. Trong đó tăng cường công truyền thông về IUU để nâng cao nhận thức của ngư dân về chấp hành các quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp.
Tuyên truyền Luật Thủy sản: Phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục triển khai các văn bản hướng dẫn Luật Thủy sản năm 2017; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân các quy định mới liên quan đến hoạt động khai thác hải sản trên biển.
Phối hợp với các lực lượng: Với Bộ Tư lệnh Hải quân duy trì hoạt động tuần tra, kiểm soát nhằm hạn chế tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài và bảo vệ, khăn ngừa lực lượng chấp pháp các nước bắt giữ tàu cá Việt Nam trên các vùng biển giáp ranh. Phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trên biển đảm bảo an toàn, an ninh trên biển, hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển. Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục kiểm soát tốt các hoạt động của tàu cá tại cảng cá theo Chỉ thị 45; phối hợp với các lực lượng khác thực hiện công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Về phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai và thường trực đường dây nóng: Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ theo dõi, tổ chức thông báo, cảnh báo và kịp thời tham mưu chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Sử dụng có hiệu quả hệ thống Thông tin tàu cá cung cấp thông tin thiên tai cho ngư dân hoạt động khai thác trên biển.
Triển khai dự án: Dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm ngư, kịp thời ứng phó với những nhiệm vụ đột xuất phát sinh; chú trọng xây dựng hình ảnh lực lượng kiểm ngư luôn đồng hành cùng bà con ngư dân, vươn khơi bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
>> Từ khi ra đời, Kiểm ngư đã tham mưu cho Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử lý; tham mưu cho Chính phủ ban hành Công điện 45, Chỉ thị 1275/TTg; đến nay tình trạng tàu cá, ngư dân bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử lý đã giảm đáng kể… |