Kiểm tra chất lượng nước vùng nuôi tôm nước lợ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường phục vụ vùng nuôi tôm nước lợ năm 2022, vừa qua, Chi cục Thủy sản Cà Mau phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản Nam bộ thực hiện lấy mẫu nước mặt tại 11 điểm quan trắc trên các tuyến sống thuộc tỉnh Cà Mau.

Theo kết quả phân tích cho thấy, các chỉ tiêu: nhiệt độ, pH, độ mặn, độ kiềm, N-NH4+, P-PO43-, S2-, COD đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép. Chỉ tiêu vi sinh Vibrio parahaemolyticus, Coliform cũng nằm trong giới hạn thích nghi cho thủy sản nuôi phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu môi trường nước có nồng độ nằm ngoài ngưỡng cho phép. 

Cùng với đó, hiện tại, thời tiết Cà Mau cũng đang diễn biến phức tạp, từ giữa tháng 3 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một vài cơn mưa trái mùa xen lẫn những ngày nắng nóng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm nuôi. Trước tình hình trên, Chi cục Thủy sản Cà Mau khuyến cáo đến người nuôi trồng thủy sản cần cải tạo ao thật kỹ, đúng quy trình sao cho có thể loại bỏ được mầm bệnh còn tồn đọng. Cần lắng, lọc, diệt khuẩn và xử lý nước trước khi lấy vào ao/vuông nuôi khi cần thiết. Hạn chế trao đổi nước trực tiếp với môi trường bên ngoài sông, rạch khi chưa qua xử lý; Thường xuyên kiểm tra pH ao nuôi và duy trì pH ở mức thích hợp 7,5 – 8,5 và dao động giữa sáng và chiều không quá 0,5 đơn vị.

quạt nước

Cần tăng cường quạt nước trong những ngày nắng nóng

Trong những ngày nắng nóng cần duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1,2 – 1,5 m, tăng cường quạt nước và nâng mực nước trong ao nuôi nhằm giảm chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm và giảm sốc cho tôm nuôi. Đối với khu vực ương giống nuôi 2 giai đoạn cũng cần có hệ thống mái che nhằm giảm chênh lệch nhiệt độ trong ngày.

Ngoài ra, đề phòng các cơn mưa trái mùa, người nuôi cần gia cố bờ bao, chống xói lở bờ ao, hạn chế nước mưa có thể kéo theo các chất hữu cơ vào trong ao. Dùng vôi nông nghiệp, hoặc vôi sống tạt trên bờ trước khi mưa, sau khi mưa, hòa vôi trong nước tạt đều quanh ao nuôi. Chủ động giảm hoặc ngưng cho tôm ăn trong thời gian mưa. Trong khi mưa thường xuyên dùng quạt ôxy để hạn chế sự phân tầng nước. Sau mưa cần bổ sung các chất tăng sức đề kháng, chế phẩm vi sinh giúp ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong ao nuôi. Định kỳ bổ sung men tiêu hóa, vi lượng, khoáng chất, vitamin… đặc biệt là Vitamin C vào khẩu phần ăn hằng ngày để tăng sức đề kháng.

Khuyến cáo các hộ nuôi không chủ động được nguồn nước và hạ tầng không đảm bảo thì không nên thả nuôi trong giai đoạn này để tránh thiệt hại, cần tuân thủ theo lịch thời vụ của địa phương…

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!