Các hoạt động thương mại chống lại tôm nhập khẩu gần đây khiến tôi suy nghĩ đến trò chơi khăm mà ngành công nghiệp tôm khai thác Mỹ duy trì và áp dụng với tôm nuôi nhập khẩu nhiều năm nay.
Nhiều năm qua, chúng ta đã nghe, nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng tài chính của các nhà sản xuất tôm nội địa là do sự tràn vào của “tôm nhập khẩu giá rẻ”. Các nhà sản xuất tôm nội địa đã liên tục có những cú đánh mạnh đối với các sản phẩm tôm nhập khẩu thông qua phương tiện truyền thông, những hoạch định chính sách và theo đuổi hàng loạt vụ kiện thương mại với nỗ lực tăng giá bán và giảm nhập khẩu. Nỗ lực mới nhất có liên quan là việc nhóm các nhà chế biến tôm Mỹ đệ trình một vụ kiện thương mại với cáo buộc tôm nhập khẩu từ vài nước nhận trợ cấp từ chính phủ gây tổn thất cho các nhà sản xuất tôm nội địa ngay trên thị trường của họ.
Gạt tính pháp lý của vụ kiện sang một bên, đã đến lúc phải có một cuộc thảo luận thẳng thắn về tôm trong nước, nhập khẩu và các trò lừa bịp đã tồn tại quá lâu. Tôm khai thác và tôm nuôi là hai sản phẩm khác nhau. Tôm khai thác không thể cạnh tranh về giá, sản lượng cũng như sự ổn định nguồn cung với tôm nuôi. Giải pháp quan trọng để khắc phục sự chênh lệch về giá là tăng cường tiếp thị để người tiêu dùng hiểu tại sao họ nên trả giá cao cho tôm khai thác. Cá hồi khai thác Alaska là một minh chứng tuyệt vời cho trường hợp này.
Tôm nuôi được cho là có chi phí sản xuất thấp hơn so với tôm khai thác tự nhiên. Nghe có vẻ rất logic, nhưng theo tôi điều này rất vô lý khi cho rằng ngành tôm khai thác Mỹ chỉ có thể vững mạnh bằng cách trừng phạt tôm nuôi nhập khẩu.
Đây là bí mật bẩn thỉu, các nhà chế biến nội địa định giá bán tôm khai thác của Mỹ ngay tại cảng và giá này được thống nhất trên cả nước. Các nhà chế biến/phân phối là những người cuối cùng đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, do thất bại trong việc giúp người tiêu dùng nhận biết sự khác biệt giữa hai sản phẩm tôm, tại sao phải trả thêm tiền cho tôm khai thác, nên họ đã phải bán tôm khai thác với giá thấp, tương đương giá bán của tôm nuôi để cạnh tranh. Thực tế này khiến ngư dân khai thác tôm Mỹ nhận được mức giá thấp hơn so với những gì họ xứng đáng. Và đương nhiên, họ đổ lỗi cho những nhà sản xuất tôm nuôi là lực lượng cạnh tranh duy nhất trên thị trường. Đối với người kinh doanh tôm, tin này không mới; nhưng với người ngoài ngành, những tin tức hay vụ kiện kiểu này khiến họ tin rằng, lợi nhuận ngành tôm khai thác giảm là do giá tôm nuôi.
Đã đến lúc chấm dứt trò lừa bịp này. Chìa khóa thành công của ngành khai thác tôm Mỹ là nỗ lực phát triển, quảng bá sản phẩm, thay vì chạy đua về giá và chê trách các nhà sản xuất tôm nuôi. Tôm nuôi và tôm khai thác là hai sản phẩm khác nhau, do đó không nên cạnh tranh về giá trên thị trường thủy sản hoặc phòng xử án.