Nỗ lực trong 2 năm của Việt Nam chống khai thác IUU đã được phía EC ghi nhận và đánh giá cao. Đây là cơ hội để Việt Nam sớm gỡ “thẻ vàng”, đồng thời phát triển nghề khai thác thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả.
Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm
Theo ghi nhận, đối với 9 khuyến nghị của EC, Việt Nam hiện đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). 28 địa phương ven biển đã thành lập các Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cảng cá, triển khai các thông tư, nghị định hướng dẫn, qua đó kiểm soát tàu cá, sản lượng hải sản phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc, thu nộp nhật ký khai thác. Các Bộ, ngành như: Bộ Quốc phòng, Bộ NN&PTNT cũng đã tăng cường đàm phán, hợp tác tìm kiếm các giải pháp tổng thể nhằm đáp ứng các khuyến nghị của EC. Luật Thủy sản 2017 cũng đã dần hoàn thiện để làm cơ sở pháp lý quan trọng đối với nhóm khuyến nghị liên quan đến việc thực thi pháp luật trên biển. Hiện, Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực, ký kết đường dây nóng để xử lý các vấn đề trên biển.
Hiện, Bộ NN&PTNT đang tham mưu với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tổ chức cuộc họp ban chỉ đạo lần 3 để chỉ đạo rút kinh nghiệm triển khai những nhiệm vụ giải pháp trong tâm trong thời gian tới. Giải pháp căn cơ nhất bây giờ cần phải chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài, Phó Thủ tướng cũng đã giao Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương để có những giải pháp hiệu quả, chấm dứt tình trạng tàu cá của Việt Nam vi phạm ở vùng biển nước ngoài.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết Ủy viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ đã rất nỗ lực, trong đó Bộ NN&PTNT cùng các địa phương cũng đã có nhiều giải pháp, tuyên truyền vận động ngư dân khi đi đánh bắt phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, thực hiện khai báo đánh bắt tại những khu vực được phép để thực hiện những yêu cầu mà EC đưa ra. Hiện nay, quy mô số lượng, các hộ khai thác thủy sản rất lớn, để thay đổi tất cả các hành vi trong cùng một lúc không phải đơn giản, hiện vẫn còn một số hộ ngư dân chưa chấp hành. Do đó, cần quyết tâm làm và làm quyết liệt hơn nữa nhất là việc xử lý vi phạm đủ sức răn đe để ngư dân tuân thủ các khuyến cáo mà EC đưa ra, nhanh chóng sớm được gỡ “thẻ vàng”.
Ngư dân cần thực hiện các quy định của pháp luật để thủy sản Việt Nam sớm gỡ được “thẻ vàng” – Ảnh: VNE
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau cũng tích cực triển khai việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, 1.200/1600 tàu; tuy nhiên, hiện còn nhiều tàu cá mất kết nối liên lạc, nên gây khó khăn cho việc quản lý tàu cá khai thác trên biển. Còn với việc tranh chấp ngư trường khai thác, Cà Mau và các tỉnh lân cận sẽ phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt động đánh bắt. Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, Cà Mau sẽ xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài, trên quan điểm là chấm dứt triệt để tàu cá vi phạm. Theo đó, đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động người dân, những người tham gia khai thác phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, kêu gọi các chủ tàu, thuyền trưởng chấp hành nghiêm các quy định, không vi lợi ích riêng của mình làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.
Việt Nam đi đúng hướng
Sau chuyến công tác tại Việt Nam từ ngày 5 – 14/11/2019, để tiến hành đánh giá lần thứ hai về việc thực hiện các khuyến nghị của EC về đánh bắt IUU; Đoàn Thanh tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC; theo đó, nhận định, Việt Nam đã đi đúng hướng trong công tác phòng chống khai thác IUU. Đoàn cũng đánh giá cao khi Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp lý mới toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế; tuy nhiên, tác động thực tế của khung pháp lý vẫn còn hạn chế. Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc chống khai thác IUU có nhiều chuyển biến tốt hơn năm 2018. Vậy nhưng,Việt Nam cần thắt chặt kiểm soát tàu các Việt Nam và tàu nước ngoài, truy xuất nguồn gốc khai thác thủy sản hiệu quả hơn. Nếu tàu cá Việt Nam không còn vi phạm vùng biển nước ngoài, “thẻ vàng” có thể được gỡ bỏ. Làm việc tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Kiên Giang, Đoàn đánh giá, sự quản lý, phối hợp của các cơ quan chức năng Việt Nam như Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Thú y… và thực tế chống khai thác IUU tại các địa phương là đúng hướng, có tiến bộ so với lần thanh tra đầu tiên. Đoàn đánh giá cao việc vận hành hệ thống thông tin giám sát tàu cá (VMS) và quản lý tàu cá tại cảng ở Kiên Giang. VMS là một công cụ hiệu quả về chi phí để theo dõi, kiểm soát và giám sát thành công các hoạt động nghề cá.
Sau chuyến làm việc tại Việt Nam, Đoàn kiểm tra đề nghị Việt Nam nên hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với thực tế, nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc lắp đặt VMS, quản lý tốt hơn hoạt động của các tàu cá nhất là những tàu có chiều dài từ 24 m trở lên; thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác, xác minh nguồn gốc hải sản được đánh bắt ở vùng biển Việt nam và được nhập khẩu qua các cảng. Bên cạnh đó, Việt Nam nên xử lý mạnh tay hơn và có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan, ban ngành địa phương trong việc quản lý, kiểm soát và xử lý vi phạm khai thác IUU.
>> Theo khuyến nghị của EC, hiện nay cần triển khai thực thi nghiêm Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, xử phạt tàu cá có xác định là vi phạm ở các vùng biển nước ngoài để đảm bảo răn đe cũng như tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác ở vùng biển nước ngoài. Cần phải thực hiện có hiệu quả những giải pháp để bảo đảm phát triển nghề cá bền vững, khai thác có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. |
An An