(TSVN) – Tại Hội nghị thực trạng và định hướng phát triển nuôi biển của Kiên Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức chiều 27/6, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao tiềm năng và lợi thế nuôi biển của tỉnh, đồng thời khẳng định Bộ sẽ đồng hành cùng địa phương tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế nuôi biển.
Kiên Giang có diện tích ngư trường rộng hơn 63.290 km2, bờ biển dài khoảng 200 km, với hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc. Đây cũng là tỉnh có vị trí trọng điểm đối với nghề cá ĐBSCL và cả nước với lợi thế phát triển kinh tế thủy sản cả trong đất liền, trên biển và hải đảo. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, Kiên Giang xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực trong thời gian tới, trong đó tập trung phát triển hiệu quả, bền vững nghề nuôi trồng thủy sản trên biển.
Các đại biểu tham dự Hội nghị phát triển nuôi biển tại Kiên Giang chiều ngày 27/6. Ảnh: Phú Hữu
Ngay từ năm 2020, UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại; đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển và hải đảo; góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân.
Sau gần 4 năm thực hiện Đề án, bước đầu đã đạt được kết quả nhất định. Năm 2023, nuôi cá lồng trên biển của Kiên Giang đạt 3.870 lồng, sản lượng thu hoạch 3.910, tấn tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2020 – 2023 là 1,65%/năm. Các loại cá được nuôi chủ yếu bao gồm: Cá bóp, cá mú, cá chim vây vàng, cá chẽm…tập trung tại các huyện Kiên Hải, thành phố Phú Quốc, một số xã đảo của huyện Kiên Lương và thành phố Hà Tiên.
Theo thống kê, diện tích nuôi nhuyễn thể ven biển khoảng 23.282 ha với sản lượng 96.327 tấn, gồm các đối tượng như: Sò huyết, sò lông, hến biển, vẹm xanh và nghêu đã phát triển ở các địa phương ven biển. Hình thức nuôi là thả giống ngoài bãi triều và nuôi kết hợp trong vuông tôm, ao mương vườn và dưới tán rừng phòng hộ ven biển….
Điểm nhấn quan trọng khi triển khai Đề án, đó là Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang đã xây dựng và triển khai các mô hình chuyển đổi từ nuôi lồng truyền thống sang lồng nhựa HDPE. Kết quả đã chuyển đổi được 69 lồng, với quy mô 3.531 m3. Mô hình này đem lại hiệu quả với năng suất trung bình 16,02kg/m3, cao hơn lồng gỗ truyền thống 4-5kg/m3.
Tại hội nghị nuôi biển của Kiên Giang, các đại biểu nhận định, phát triển kinh tế biển Kiên Giang bên cạnh một số điểm sáng thì hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Trước hết, việc triển khai thực hiện dự án đầu tư nuôi biển phải qua nhiều cơ quan để đề xuất chủ trương đầu tư, cấp phép nuôi biển và giao khu vực biển, dẫn đến một số dự án triển khai chậm so với dự kiến. Thủ tục giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 phải xin ý kiến nhiều Bộ, ngành nên khi triển khai còn nhiều vướng mắc, chưa thực hiện việc giao khu vực biển cụ thể cho tổ chức, cá nhân nuôi lồng bè trên biển theo quy định.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Phú Hữu.
Không chỉ vậy, việc xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển vẫn còn chậm. Hạ tầng phục vụ nuôi biển hiện nay vừa yếu vừa thiếu còn nhiều hạn chế…Hiện nay, Kiên Giang mới cấp chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn 695 tỉ đồng, diện tích mặt nước biển là 2.197,3 ha và tiếp nhận 155 hồ sơ đề xuất thực hiện dự án nuôi biển của các doanh nghiệp và cá nhân.
Qua khảo sát vùng nuôi biển ở đảo Nam Du và với vị trí địa lý, đặc điểm địa hình của tỉnh, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: Kiên Giang có nhiều tiềm năng về phát triển thuỷ sản, đặc biệt là nuôi biển và tin tưởng Kiên Giang sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển lớn, đi đầu trong cả nước. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, để đạt được được điều này, thời gian tới, Kiên Giang cần thực hiện đầy đủ các quy hoạch ngành (4 quy hoạch lớn) để xây dựng hệ sinh thái cho ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung đầu tư hạ tầng nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng mục tiêu phát triển. Kêu gọi các doanh nghiệp lớn có tiềm lực đầu tư cho kinh tế biển, đảm bảo năng lực chế biến. Có hợp tác xã và nông dân cùng hợp tác với doanh nghiệp, nhà nước tạo điều kiện cho các liên kết. “Khoa học đi tiên phong, doanh nghiệp có tài, nông dân hưởng lợi. Kiên Giang cần quy hoạch và tập trung gỡ khó về giao mặt nước biển để doanh nghiệp, ngư dân nuôi biển. Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành cùng Kiên Giang tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế biển”. Thứ tưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Nam Linh
Việt Nam hiện có 9,5 triệu m3 lồng nuôi biển (4,3 triệu m3 lồng cá biển; 5,2 triệu m3 lồng tôm hùm) và 57 nghìn ha nuôi nhuyễn thể. Năm 2023 sản lượng đạt 789,8 nghìn tấn; 6 tháng 2024 đạt 370,4 nghìn tấn (tăng 12,6% so với cùng kỳ) đạt 45,2% kế hoạch năm. Mục tiêu năm 2045 của Việt Nam là phát triển công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng của ngành thuỷ sản, đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỉ USD.