Khoảng 3 tuần nay, giá tôm sú nguyên liệu trong tỉnh bắt đầu tăng trở lại từ 5.000 – 15.000 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, hầu hết người nuôi tôm, nhất là các huyện vùng U Minh Thượng không còn tôm để bán.
Theo nhiều hộ nuôi tôm các huyện vùng U Minh Thượng, hiện thương lái đến tận nơi thu mua tôm sú với giá khoảng 215.000 – 220.000 đồng/kg (loại 20 con); 130.000 – 140.000 đồng/kg (loại 30 con); 125.000 đồng/kg (loại 40 con). Theo một số thương lái và đại lý thu mua tôm, nguyên nhân tôm tăng giá chủ yếu do nguồn tôm khan hiếm. Các nước xuất khẩu lớn như: Trung Quốc, Thái Lan… đã hết hàng; nguồn tôm nội địa bị dịch bệnh kéo dài, hết vụ thu hoạch. Do đó, doanh nghiệp phải tăng giá thu mua để gom đủ nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Dù giá tôm đang nhích lên nhưng người nuôi tôm thấy tiếc do không còn hàng để bán.
Ông Nguyễn Hoàng Vinh, ngụ ấp Cạnh Đền, xã Vĩnh Phong (Vĩnh Thuận) thu hoạch tôm nuôi.
Ông Nguyễn Hoàng Vinh, ngụ ấp Cạnh Đền, xã Vĩnh Phong (Vĩnh Thuận) cho biết: “Cách đây gần một tháng, tôi thu hoạch khoảng 200kg tôm bán cho thương lái với giá 200.000 ngàn đồng/kg, (20 con/kg). Cũng tôm cỡ này, nhưng vài ngày sau giá đã tăng lên khoảng 220.000 đồng/kg”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận, toàn huyện đã thu hoạch xong 20.390ha tôm nuôi, trong đó có 14.795ha tôm – lúa. Hiện, nguồn tôm nguyên liệu trong dân còn rất ít do nông dân đang vào mùa gieo sạ lúa (đối với mô hình tôm – lúa), còn một số diện tích nông dân chuẩn cải tạo ao cho vụ nuôi tôm mới (đối với tôm công nghiệp).
Tương tự, người nuôi tôm ở các huyện U Minh Thượng, An Biên, An Minh hiện đang trong giai đoạn sạ, cấy lúa trên nền đất nuôi tôm nên lượng tôm còn lại không đáng kể. Vì vậy, giá tôm tăng nhưng người nuôi tôm không được hưởng lợi từ sự tăng giá này.
Anh Võ Văn Mấn, ngụ ấp Thạnh Tiên, xã Tân Thạnh (An Minh) chia sẻ: “Giá tôm tăng ngay thời điểm nông dân không còn tôm bán. Như thành quy luật, khi tôm được mùa thì mất giá, được giá lại thất mùa. Nông dân luôn lo lắng, không biết bao giờ giá tôm mới hết “nhảy múa” để nông dân yên tâm sản xuất”. Anh Mấn cho biết thêm, tuy giá tôm tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so năm trước. Cộng với sản lượng thấp, tiền vật tư tăng cao nên lợi nhuận của nông dân sụt giảm.
Diện tích tôm thả nuôi ở vùng U Minh Thượng luôn cao hơn những vùng khác trong tỉnh, trong đó mô hình tôm – lúa chiếm tỷ lệ cao. Vụ lúa chỉ là cơ sở cho sản xuất tôm và người dân chỉ trông chờ lợi nhuận từ mặt hàng này. Song, giá tôm không ổn định khiến người nuôi luôn bất an và ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. Vì vậy, người nuôi tôm rất cần thông tin thị trường kịp thời và có sự định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường để an tâm sản xuất