(TSVN) – Vườn Quốc gia Phú Quốc và Vườn Quốc gia U Minh Thượng đã tổ chức các đợt xử lý, diệt trừ các loài thực vật ngoại lai xâm hại nhằm tránh phát tán, ảnh hưởng đến môi trường và đa dạng sinh học.
Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đã ghi nhận, xác định sự hiện diện của 8 loài ngoại lai xâm hại gồm: bèo lục bình, cây mai dương, cây trinh nữ móc, cá lau kính, ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, cỏ lào, cây ngũ sắc. Trong số đó, 2 loài có diện tích xâm hại cao, phân bố trên diện rộng là cá lau kính và ốc bươu vàng.
Tiếp tục ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng và các địa phương thường xuyên kiểm tra, tổ chức xử lý, khống chế xâm lấn, diệt trừ các loài ngoại lai, không để phát triển lây lan trên diện rộng. Các địa phương tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tác hại của các loài ngoại lai xâm hại.
Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang phối hợp chặt chẽ với đơn vị kiểm dịch tại các cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các loài ngoại lai xâm hại.
Lực lượng hải quan phối hợp đơn vị hữu quan tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục các loài ngoại lai xâm hại để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Sở NN&PTNT Kiên Giang thực hiện các hoạt động kiểm soát nuôi trồng, phát triển, sản xuất, kinh doanh loài ngoại lai trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và kiểm soát chặt chẽ quy trình kiểm dịch động, thực vật nhập khẩu để ngăn ngừa sinh vật ngoại lai xâm hại.