Kiên Giang: Nuôi cá biển trong ao đất

Chưa có đánh giá về bài viết

Người đầu tiên nghĩ ra và thực hiện mô hình này có lẽ là ông Nguyễn Hữu Trí (ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương). Đưa cá bống mú lồng bè từ biển vào nuôi trong ao đất dưới tán rừng phòng hộ mang lại cho ông Trí 2 tỷ đồng/năm tiền lãi.

Thành tỷ phú nhờ… liều

Hôm chúng tôi đến, ông Trí đang đặt máy bơm nước trong vuông ao để chuẩn bị thả nuôi cá bống mú đợt mới. Ông kể: “Gia đình tôi có 2 ha đất nhiễm phèn, trồng lúa thì năng suất thấp và bấp bênh, trồng cây ăn trái thì không hiệu quả. Thấy vậy, bao lần tôi định bỏ hoang, tìm việc khác kiếm sống. Năm 1998, thấy nhiều người nuôi tôm sú “được ăn”, ông bắt chước nhưng mấy lần đều thất bại, thành trắng tay.

Một thời gian dài ông luôn trăn trở, không biết bằng cách nào để mảnh đất có thể nuôi con gì. Năm 2007, ông được một người bạn rủ đi đánh bắt cá bống mú, 1 tuần ngoài khơi, lượng cá đem về cũng nhiều; nhưng nhìn can nước ngọt trên tàu đã cạn, ông cùng người bạn đó rẽ vào hòn đảo có người để xin nước ngọt uống, đồng thời đổi cá. Tình cờ ông Trí thấy phía sau nhà người cho nước ngọt uống có nuôi khoảng 10 con cá bống mú dưới ao đất lạnh mà cá vẫn sống khỏe. Về nhà, ông bàn với gia đình, hôm sau đi vay gần 20 triệu đồng để tải tạo ao và mua cá giống về thả nuôi. Ban đầu chưa có kinh nghiệm nhiều, ông tập trung vào 2 cái ao với diện tích khoảng 5 công.

Xử lý nước xong, ông bắt đầu tìm mua cá bống mú con. Do cá con không đồng đều nên ông chia ra nhiều ao để tiện chăm sóc, theo dõi sinh trưởng của cá. Hàng xóm bảo ông ngốc; cá bống mú quen sống ngoài biển, đưa vào ao đất chắc chết, đầu tư như vậy phí tiền! Mặc cho những lời nói ra vào, ông cứ thực hiện theo ý tưởng của ông.

Thời gian thả nuôi từ đầu đến khi thu hoạch là 10 tháng. Loại cá này không khó nuôi nhưng quá trình chăm sóc khá công phu. Ngoài thức ăn cho bống mú là cá phân (cá nhỏ), cứ 15 ngày một lần phải thay nước ao nuôi, theo quy cách: bơm ra ngoài 50% lượng nước hiện có trong ao rồi bơm nước mới từ ngoài vào với thể tích tương đương. Sau 10 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng 1 – 1,5 kg/con, ông Trí thu hoạch mấy ao cá bống mú trước sự ngỡ ngàng của bà con. Với tổng số 5 công thả nuôi, thu được 3 tấn, trừ chi phí còn lãi gần 400 triệu đồng. Nhờ thành công ban đầu, ông Trí trả hết nợ hàng xóm; số tiền còn lại ông dành cải tạo mương ao và mở rộng ra 2 ha trong rừng phòng hộ bên cửa biển Ba Hòn, cũng là địa điểm thích hợp lấy nước ra vào nuôi cá bống mú.

Nhờ nuôi cá bống mú nhiều gia đình ở Kiên Lương có của ăn của để

Số tiền còn lại, ông mua giống thả hết diện tích, do rút tỉa kinh nghiệm nuôi của vụ đầu, ông Trí rất yên tâm nên lứa cá nuôi thứ hai trong ao đất tiếp tục cho năng suất 7 tấn, ông bán cá được lãi gần 2 tỷ đồng. Nhiều vụ thả nuôi tiếp theo, ông đều thành công như vậy; gia đình ông nhờ thế trở nên khá giả nhất ấp.

 

Nuôi thế nào hiệu quả nhất?

Ông Trí cho biết: Nuôi cá bống mú không khó, tỉ lệ sống có thể hơn 90%, nhưng quá trình chăm sóc rất công phu. Ngoài thức ăn là cá phân (như cá cơm, cá trích, cá liệt…), lúc cá con mới đem về cho ăn bằng thức ăn xay nhuyễn cộng với tấm cám nấu. Khi cá lớn bằng cùi tay bắt đầu cho cá ăn loại cá phân sống, ban đầu cho ăn mỗi ngày hai cữ, khi cá lớn cho ăn mỗi ngày một cữ. Theo ông Trí, khâu quan trọng nhất là quản lý nước trong ao, cứ 15 ngày phải thay nước ao nuôi một lần, bơm ra ngoài khoảng 1/2 lượng nước trong ao rồi bơm nước mới từ ngoài vào ao với thể tích tương đương. Ao nuôi cải tạo sên vét bùn đáy, lấp kín hang hốc, nếu trải bạt càng tốt, tránh cá đào hang quanh bờ.

Có thể thả cá giống được thu gom tự nhiên cỡ 5 – 7cm hoặc 10 – 15cm, hoặc chọn cá sinh sản nhân tạo. Con giống không xây xát, không dị hình; màu sắc tươi sáng; nhanh nhẹn. Loài cá này có thể ăn thịt nhau khi thiếu mồi; vì thế nên thả với mật độ thưa, 1 – 3 con/m2.

Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước, giữ các chỉ số ổn định trong giới hạn bảo đảm cá phát triển bình thường, độ mặn 10 – 23‰; pH 7,5 – 8,5.

 Để cá sống trong ao bố trí chà và các ống nhựa đường kính 10 – 20cm cho cá trú ẩn; hạn chế cá tấn công nhau gây xây xát, nhiễm bệnh. Định kỳ thu mẫu bằng cách vớt những ống nhựa lên để kiểm tra sức khoẻ và tốc độ tăng trưởng của cá. Tiền đầu tư nuôi cá bống mú trong ao đất đến thu hoạch là 50.000 – 60.000 đồng/con/kg; trong khi tiền đầu tư nuôi cá lồng bè trên biển cao hơn thế 2 – 3 lần, lại thêm quy mô bị giới hạn so với nuôi trong ao đất và độ rủi ro thường cao.

 Từ thành công này, ông Trí đi đầu thành lập HTX nuôi cá bống mú trong ao đất. Trên diện tích 15 ha, 20 xã viên được ông nhiệt tình hướng dẫn cách nuôi. Các xã viên trước đây đều nghèo, nay nhờ nuôi cá mú đã có của ăn của để. Đến nay, tại xã Bình An, số hộ nuôi đã lên tới khoảng 100, với diện tích trên 50 ha; không ít người nuôi thành công nhiều năm liền (như các ông Út Xinh, Ba Có, Tư Hiệp…).

Ông Vương Minh Mẫn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Kiên Lương, cho biết: Do tập tính sống trong môi trường có nguồn nước lưu thông thường xuyên nên đa số người nuôi thường thả cá vào lồng, bè treo dưới biển. Hình thức nuôi này dễ nhưng khá tốn kém; mặt khác, cá thường xuyên chịu ảnh hưởng môi trường nước bên ngoài nhiều biến động do ảnh hưởng xả lũ, áp thấp nhiệt đới, bão, chất thải tàu khai thác vào neo đậu, làm tăng rủi ro.

>> Nuôi cá bống mú trong ao đất nhiều hứa hẹn, vì chi phí đầu tư vừa phải, hệ số thức ăn thấp, cá ít bệnh. Tại vùng ven biển huyện Kiên Lương, ngành nông nghiệp huyện đang khuyến khích mở rộng diện tích nuôi và tăng sản lượng, nhắm đến xuất khẩu cá bống mú trong tương lai.

Lê Bảo Yến

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!