Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành trên cả nước có biển, với diện tích vùng biển 63.290 km², bờ biển dài 200 km, hơn 143 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 43 đảo có dân sinh sống và Phú Quốc là đảo lớn nhất diện tích 593 km².
Tàu cá của ngư dân neo đậu trên sông Cái Bé, huyện Châu Thành (Kiên Giang).
Biển Kiên Giang là một trong những ngư trường có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển thủy sản. Lĩnh vực kinh tế này ngày càng phát triển khá toàn diện, bền vững, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang, thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, tỉnh tập trung phát triển khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sản lượng khai thác hàng năm 500.000 – 600.000 tấn; nuôi trồng thủy sản vùng ven biển, ven đảo, quần đảo phát triển khá nhanh và đa dạng, sản lượng thu hoạch đạt hơn 217.000 tấn/năm.
Tỉnh Kiên Giang hiện có đoàn tàu cá hơn 10.700 chiếc, công suất bình quân 245,8 CV/tàu, trong đó tàu có chiều dài từ 15 m trở lên gần 4.000 chiếc. Tỉnh tăng cường quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên ngư trường; kiểm tra, xử lý, ngăn chặn các hình thức đánh bắt mang tính tận diệt, ảnh hưởng môi trường biển như: Cào bờ, xiệp mé, cào bay, sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ…
Tỉnh đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng, nâng cấp hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão Tắc Cậu (Châu Thành), An Thới và Thổ Châu (Phú Quốc), Xẻo Nhàu (An Minh), Nam Du (Kiên Hải) phục vụ khai thác đánh bắt thủy sản. Trong đó, 2 cảng cá Tắc Cậu và An Thới đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố đưa vào danh sách cảng cá chỉ định để xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Tiếp đến, nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển ở Kiên Giang phát triển khá nhanh, đa dạng như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá lồng bè, nuôi nghêu, sò vùng bãi triều, nuôi cá nước ngọt, lợ vùng ven biển, rừng ngập mặn. Sản lượng thu hoạch năm 2019 ước đạt 256.000 tấn/năm, trong đó tôm khoảng 78.000 tấn.
Điểm nhấn trong nuôi trồng thủy sản này là nuôi tôm nước lợ trên 125.650 ha/năm, với các mô hình nuôi công nghiệp – bán công nghiệp, quảng canh – quảng canh cải tiến, tôm – lúa. Trong đó, nuôi tôm công nghiệp theo truyền thống đang từng bước chuyển đổi sang nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và nông dân, năng suất 10 – 15 tấn/ha, có nơi đạt 25 tấn/ha.
Mặc dù phát triển khá toàn diện, nhưng kinh tế thủy sản của Kiên Giang còn nhiều những khó khăn, bất cập. Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Hoạt động khai thác đánh bắt thiếu nguồn lao động trực tiếp trên tàu; nguồn lợi thủy sản trên ngư trường suy giảm; ngư dân đưa tàu cá ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép diễn biến phức tạp; tranh chấp ngư trường và tình trạng khai thác đánh bắt mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên chưa được ngăn chặn triệt để…”
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh (Kiên Giang).
Cùng với đó, nuôi trồng thủy sản có bước phát triển nhưng chưa thật sự ổn định và bền vững, nhất là lĩnh vực nuôi tôm. Ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng thủy sản chưa nhiều. Môi trường sinh thái vùng biển, ven biển ở một số nơi ô nhiểm nặng. Dịch bệnh xuất hiện gây hại, tôm chết kéo dài chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Giá tôm nguyên liệu chưa thực sự ổn định, thường sụt giảm ở mức thấp. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, còn chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, nhưng chưa có biện pháp căn cơ để khắc phục. Nguồn nhân lực chất lượng phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu…
Thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh tập trung xây dựng Kiên Giang trở thành địa phương biển mạnh của vùng biển và ven biển Tây Nam bộ, đạt các tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển. Phấn đấu đến năm 2045, Kiên Giang trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long theo hướng bền vững, an ninh, an toàn. Kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế cả nước, trong đó tập trung phát triển kinh tế thủy sản theo hướng toàn diện, bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn nhấn mạnh: Phát triển kinh tế thủy sản trong thời gian tới, tỉnh lập quy hoạch và xây dựng dự án nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi biển, ven biển, quanh các đảo và vùng ven bờ, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển, đảo. Chuyển mạnh nuôi trồng thủy sản theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường biển; thu hút đầu tư sản xuất giống chất lượng cao, khỏe mạnh, kháng bệnh, đồng thời nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng công nghệ nuôi biển hiện đại ở vùng khơi…
Cùng với đó, tỉnh thực hiện tái cơ cấu toàn diện khai thác hải sản, sắp xếp lại đội tàu theo hướng không tăng thêm số lượng tàu, giảm dần tàu công suất nhỏ khai thác đánh bắt ven bờ. Xây dựng các đội tàu mạnh khai thác xa bờ và khai thác viễn dương theo chương trình hợp tác của Chính phủ, đi đôi với sắp xếp, cơ cấu lại nghề cá ven bờ; ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt; tăng cường bảo vệ, tái sinh, phục hồi nguồn lợi hải sản gần bờ, đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân.
Tỉnh rà soát, củng cố và phát triển các hình thức liên kết sản xuất trên biển như: tổ, đội, hợp tác xã, liên kết các khâu khai thác, thu mua, tiêu thụ hải sản theo chuỗi giá trị. Đầu tư các khu neo đậu trú bão tại các địa phương trọng điểm nghề cá. Xây dựng trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang gắn với ngư trường biển Tây Nam tại huyện An Biên. Đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu thủy sản, xây dựng các doanh nghiệp chế biến mạnh, tạo ra các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Trước mắt năm 2020, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. Trong đó, khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất hàng hóa lớn theo nhu cầu của thị trường tiêu thụ và vùng quy hoạch, nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Phấn đấu sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 692.000 tấn, trong đó tôm nuôi thu hoạch 82.000 tấn.”
Tỉnh tiếp tục triển khai Luật Thủy sản và các văn bản có liên quan; tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản phù hợp, ổn định giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu. Tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm áp lực khai thác đánh bắt ven bờ, nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chủ quyền lãnh thổ. Cụ thể là hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; đào tạo, cung ứng nguồn lao động trực tiếp trên tàu; thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản; quản lý khai thác thủy sản theo đúng quy định trong nước và phù hợp với các quy định theo thông lệ quốc tế, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác trái phép, không đăng ký, không khai báo, nhất là tình trạng đưa tàu cá khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài của ngư dân…
Đối với nuôi trồng thủy sản, hoàn thành và triển khai thực hiện đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững đến năm 2030; hỗ trợ, tạo điều kiện cho Tập đoàn Minh Phú triển khai hoạt động dự án “Khu phức hợp ứng dụng công nghệ cao phát triển chuỗi tôm hiệu quả và bền vững tại Kiên Giang”.
Tỉnh nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn và nuôi tôm nước lợ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác theo yêu cầu của thị trường. Tiếp cận, ứng dụng tiêu chuẩn, quy chế truy xuất nguồn gốc và sử dụng mã số, mã vạch các sản phẩm nuôi, vùng nuôi, phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống, thức ăn, nuôi trồng, tiêu thụ. Sắp xếp, bố trí lại vị trí nuôi cá lồng bè, nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trên biển; phát triển các mô hình nuôi tôm càng xanh xen tôm sú và tôm – cua kết hợp; chú trọng nâng cao chất lượng một số loài cá nuôi nước ngọt. Tỉnh đẩy mạnh nuôi ven biển, ven đảo và xa khơi, vận động kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về vốn, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật đầu tư phát triển nuôi thủy sản ở vùng biển xa, nhất là loài có giá trị kinh tế cao…
Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế thủy sản, tỉnh thực hiện các dự án chuyển tiếp, khởi công mới và hoàn thành năm 2020. Cụ thể như: Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (WB9); nâng cấp Cảng cá Tắc Cậu; Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa sông Cái Lớn – Cái Bé; Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp nâng cấp, mở rộng Cảng cá Thổ Chu; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản Bình Trị (Kiên Lương)…
Ngoài ra, tỉnh triển khai thực hiện các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh lĩnh vực thủy sản; công tác khoa học, công nghệ và khuyến ngư; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất; quản lý vật tư, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Lê Huy Hải
Theo Kiên giang GOV