(TSVN) – Trong những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện các chương trình, dự án, mô hình khuyến nông với diện tích hàng ngàn ha, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Trong đó, mô hình nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE có nhiều ưu điểm và triển vọng nhân rộng lớn.
Nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE có nhiều ưu điểm vượt trội so với lồng truyền thống trước đây và đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người sản xuất, tạo thêm khối lượng sản phẩm cung cấp cho xã hội, ổn định cuộc sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an toàn an ninh xã hội.
Nuôi cá biển bằng lồng HDPE đang đem lại giá trị sản xuất cao, bền vững. Ảnh: TTKNKG
Trong năm 2022 – 2023, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã triển khai 4 mô hình chuyển đổi từ lồng gỗ truyền thống sang nuôi biển bằng lồng vật liệu HDPE trên địa bàn các huyện: Kiên Hải, Kiên Lương và TP. Hà Tiên với các đối tượng như: Cá bóp, cá mú, cá khế vằn và cá bè vẫu, quy mô 128 m²/điểm (2 ô lồng/điểm). Qua 10 tháng theo dõi, cá phát triển tốt, tỷ lệ sống cao trên 85%, năng suất dao động 14 – 22 kg/m³ (tùy theo đối tượng) và cao hơn lồng truyền thống 2 – 3 lần (năng suất lồng gỗ truyền 4 – 11 kg/m³).
Cùng với đó, theo sự chỉ đạo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã triển khai dự án xây dựng mô hình nuôi cá mú trân châu thương phẩm bằng lồng HDPE thích ứng vùng biển đảo giai đoạn 2022 – 2024. Năm 2022, dự án triển khai 2 điểm tại huyện Kiên Lương, quy mô 192 m³/điểm (4 ô lồng/điểm). Kết quả qua 10 tháng theo dõi, tỷ lệ sống trung bình 89,5%, trọng lượng thu hoạch trung bình 1,2 kg/con, năng suất trung bình 16,02 kg/m³ (cao hơn lồng gỗ truyền thống 4 – 5 kg/m³), sau khi trừ các khoản chi phí và khấu hao, lợi nhuận thu được trung bình 174.454.000 đồng/điểm. Năm 2023, dự án tiếp tục triển khai 3 điểm tại huyện Kiên Hải, quy mô 192 m³/điểm. Sau 4 tháng theo dõi, cá phát triển tốt, tỷ lệ sống lên tới 97%, trọng lượng trung bình 0,65 kg/con.
Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tiếp tục triển khai 11 điểm nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE sử dụng thức ăn công nghiệp với tổng quy mô 1.600 m³. Bên cạnh đó, mô hình còn kết hợp sử dụng vaccine để phòng bệnh cho cá, nhằm hạn chế rủi ro dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Ngoài ra, mô hình còn hỗ trợ người nuôi biển kết hợp trồng thêm rong sụn xung quanh lồng nuôi nhằm góp phần tăng thêm thu nhập, giảm phát thải khí thải trong nuôi biển hiện nay.
Nuôi cá biển bằng lồng vật liệu HDPE có những ưu điểm vượt trội so với lồng gỗ như: Tuổi thọ cao; có khả năng chống lại hóa chất cao và không bị ăn mòn, gỉ sét; không bị gãy khi gặp địa hình gồ ghề hay gấp khúc; dễ dàng lắp đặt, đặc biệt có thể chống chịu gió, bão lên đến cấp 10 – 12; dễ mở rộng diện tích nuôi phù hợp với mọi địa hình nuôi như vùng biển kín và vùng biển mở nên được nhiều cơ quan ban ngành ủng hộ, do đó việc triển khai thuận lợi và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, do chi phí lắp đặt ban đầu của lồng vật liệu HDPE cao hơn lồng truyền thống 5 – 6 lần nên người nuôi có ít vốn thì không có đủ khả năng để tiếp cận.
Hiệu quả đạt được từ mô hình chuyển đổi từ lồng nuôi cá truyền thống bằng gỗ sang lồng vật liệu HDPE đã khắc phục dần các nhược điểm của lồng nuôi bằng gỗ truyền thống. Mô hình thành công và được nhân rộng sẽ tạo tiền đề để người dân chuyển đổi ngành nghề từ khai thác thủy sản ven bờ kém hiệu quả sang lĩnh vực nuôi lồng bè trên biển, đặc biệt là thay thế dần từ lồng gỗ truyến thống sang nuôi cá bằng lồng vật liệu HDPE. Từ đó, làm giảm áp lực rất lớn đối với nguồn lợi thủy sản cũng như môi trường sống của các đối tượng thủy sản biển ngoài tự nhiên.
Theo Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, từ khi mô hình triển khai đến nay số lượng lồng vật liệu HDPE được bà con nông dân tăng lên 8 lần, như vậy hiệu quả nhân rộng của mô hình đạt 400% kế hoạch đề ra. Hiện nay, Trung tâm đang triển khai thành công 65 lồng, tổng thể tích 3.531 m³ tại huyện Kiên Lương (22 lồng), huyện Kiên Hải (24 lồng); TP. Hà Tiên (2 lồng) và TP. Phú Quốc (17 lồng).
Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, năm 2024, tỉnh đề ra kế hoạch thả nuôi 4.000 lồng cá biển. Từ đầu năm đến nay, ngư dân các khu vực ven biển, ven đảo thả nuôi hơn 2.800 lồng, đạt trên 70% kế hoạch, sản lượng thu hoạch hơn 2.000 tấn.
Để nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững, ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, tỉnh đã và đang thực hiện kế hoạch phát triển nuôi biển giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể:
Thứ nhất, tập trung ưu tiên bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển như cá lồng bè, nhuyễn thể, đối tượng thủy sản khác theo hướng tập trung, liên kết sản xuất bền vững; giao khu vực biển, cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi lồng bè trên biển theo quy định.
Thứ hai, đẩy mạnh khuyến ngư và tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi gắn với quan trắc môi trường nước và nâng cao năng lực chẩn đoán, cảnh báo dịch bệnh trên thủy sản, chất lượng nguồn nước giúp người nuôi chủ động trong thả cá nuôi, tránh bị thiệt hại, ảnh hưởng; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi, cách phòng và điều trị bệnh cho cá, chuyển giao công nghệ, ứng dụng quy trình khoa học kỹ thuật vào nuôi cá để tăng năng suất, sản lượng, giảm giá thành sản xuất.
Thứ ba, tăng cường thông tin, khuyến khích triển khai nhân rộng phát triển liên kết chuỗi sản xuất, nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao, nuôi cá lồng bè sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn cá tạp, khuyến cáo hộ nuôi cá đầu tư lồng nuôi bằng vật liệu HDPE thay thế lồng gỗ truyền thống.
Thứ tư, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm ổn định theo hướng vừa cung cấp tiêu thụ nội địa, vừa xuất khẩu.
Ngọc Diệp