T2, 06/07/2020 01:29

Kiên Giang sẽ không cho ra khơi nếu chủ tàu không lắp thiết bị hành trình

Chưa có đánh giá về bài viết

Đến cuối tháng 3 tới, những tàu cá từ 24m nước trở lên không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tỉnh Kiên Giang sẽ kiên quyết không cho ra khơi.

Tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chuẩn bị ra khơi.

Kiên Giang là một trong những tỉnh ven biển có lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhiều nhất. Hiện tỉnh đang khẩn trương triển khai các quy định trong luật thuỷ sản đến bà con ngư dân, chủ tàu. Đến cuối tháng 3 tới, những tàu cá có chiều dài từ 24m nước trở lên không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì tỉnh sẽ không cho đăng kiểm, không cấp giấy phép  khai thác thuỷ sản và kiên quyết không cho ra khơi.

Thiết bị giám sát hành trình của hãng Zunibal.

Tới thời điểm này người dân tỉnh Kiên Giang đã đăng ký và đã lắp đặt được hơn 370 máy giám sát thiết bị hành trình. Hiện nay, Chi cục thuỷ sản tỉnh Kiên Giang chỉ cấp giấy phép tạm đến cuối tháng 3. Sau tháng 3, hơn 600 chiếc tàu có chiều dài hơn 24m nước phải lắp đặt thiết bị hành trình và đến tháng 6, những tàu từ 15m trở lên cũng phải lắp thiết bị này. Những tàu không lắp thiết bị hành trình sẽ không cấp giấy phép khai thác thuỷ sản.

Sau khi triển khai lắp đặt thiết bị hành trình, đồng bộ với trạm bờ, cơ quan chức năng dễ dàng quan sát và chấn chỉnh kịp thời tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Ông Thái Thanh Lập, Phó trưởng phòng Khai thác và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, Chi cục Thuỷ sản Kiên Giang cho biết, sau khi lắp đặt đồng bộ giữa trạm bờ với các máy giám sát thiết bị hành trình trên tàu, chi cục sẽ quan sát trực tiếp các tàu cá đang đánh bắt trên biển, tàu đánh cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ được phát hiện và xử lý.

“Trước đây giải pháp quản lý của nhà nước chủ yếu kiểm soát bằng công cụ trên giấy tờ, các giấy phép cũng như cấp giấy. Hiện, mình có thêm việc kiểm soát thực tế ngoài biển bằng hệ thống giám sát này thì rất thuận lợi, góp phần lớn cho giải pháp quản lý, mình có nhiều thông tin thực tế hơn ở ngoài biển”- ông Thái Thanh Lập cho biết.

Anh Trần Hoàng Cẩm, chủ tàu ở thành phố Rạch Giá cho rằng, việc lắp đặt thiết bị hành trình là rất cần thiết để cơ quan nhà nước có thể giám sát được các tàu cá khi đi đánh bắt xa bờ, ngăn chặn kịp thời nếu tàu cá đánh sang vùng biển nước ngoài. Nếu không ngăn chặn được tình trạng này, Uỷ ban Châu Âu sẽ phạt “thẻ đỏ” thì hải sản Việt Nam sẽ gặp khó khăn, trong đó có gia đình của tôi.

“Tôi thấy cũng hợp lý, tốt, nếu mình vi phạm nhiều quá thì không xuất khẩu hải sản được. Trong khi đó, thị trường trong nước tiêu thụ không nhiều, chủ yếu là xuất khẩu. Nếu cấm xuất khẩu thì khai thác không có đầu ra, đánh ở Việt Nam hợp pháp vẫn không xuất khẩu được”- anh Cẩm cho biết.

Trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có hỗ trợ thiết bị giám sát hành trình nhưng việc tổ chức lắp đặt, quản lý theo dõi hệ thống này còn nhiều bất cập do không kết nối được với trạm bờ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, tìm hiểu các loại máy hành trình, UBND tỉnh Kiên Giang đã chủ động kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất máy và với các chủ tàu, qua đó tuyên truyền, vận động người  dân chấp hành nghiêm túc Luật thuỷ sản.

Tỉnh có tổ chức theo dõi chặt chẽ hệ thống trạm bờ kết nối với các thiết bị giám sát hành trình để quản lý được tàu cá đánh bắt xa bờ không cho vi phạm sang vùng biển nước ngoài.

“Đến giờ này, các phương tiện sau khi lắp đặt khi ra khơi thì mạng trong bờ kết nối ngoài khơi tốt. Chúng tôi tập trung quyết liệt cho đến 31/3 tàu có chiều dài 24m trở lên phải lắp đặt hoàn thành. Việc quản lý các phương tiện cũng như nguồn gốc xuất xứ thuỷ sản thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ thì Kiên Giang đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu về quản lý cũng như xác định được vị trí, toạ độ và nguồn gốc xuất xứ của thuỷ sản và hiện nay cơ bản đi vào nề nếp”, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết.

Kiên Giang là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng khai thác hải sản, hằng năm sản lượng khai thác hải sản của tỉnh chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khai thác hải sản của cả nước và hơn 40% sản lượng khai thác của vùng ĐBSCL. Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 10.600 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó hơn 3.600 chiếc có chiều dài hơn 15m nước và hơn 600 tàu có chiều dài từ 24m nước trở lên. Năm 2019, Luật thuỷ sản bắt đầu có hiệu lực, trong đó yêu cầu các tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nếu không sẽ có chế tài mạnh để răn đe.

Với việc triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ có hiệu quả từ việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ thuỷ sản, đến việc chấm dứt tình trạng tàu cá đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài, hy vọng tới đây, Uỷ ban Châu Âu sẽ rút lại  “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam.

Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!