Tỉnh Kiên Giang có đội tàu khai thác thủy sản xa bờ lớn. Để tiến tới giảm thiểu, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác IUU, giúp ngư dân sản xuất hiệu quả, an toàn, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực.
Kiên Giang có khoảng trên 10.000 tàu cá
Hiện, toàn tỉnh có 10.780 tàu cá, công suất 257 CV/tàu, trong đó khai thác xa bờ gần 4.500 tàu, với 20 loại nghề, nhưng tập trung 4 nghề chính là lưới kéo, lưới rê, lưới vây, nghề câu. Hầu hết phương tiện đều được trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn theo quy định. Sản lượng khai thác thủy sản hơn 545.000 tấn/năm, chiếm 16% tổng sản lượng cả nước và hơn 40% sản lượng khai thác của vùng ĐBSCL.
Từ đầu năm đến nay, tình trạng tàu cá của ngư dân Kiên Giang hoạt động khai thác IUU có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn vi phạm, với 28 tàu cá và khoảng 200 người bị lực lượng các nước có vùng biển lân cận bắt giữ. Để ngăn chặn và giảm tình trạng này, Kiên Giang đã tăng cường các giải pháp tổng thể, nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng trong thanh, kiểm tra, kiểm soát trên biển, ở cảng cá, bến cá, chợ cá. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm để chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và vùng biển quốc tế; xây dựng cơ chế chịu trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban ngành có liên quan và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố để xảy ra việc tàu cá của ngư dân khai thác bất hợp pháp ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, thời gian qua, tỉnh xây dựng hệ thống thông tin giám sát tàu cá hoạt động trên biển; xây dựng lộ trình bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tất cả các tàu cá hoạt động xa bờ, vận hành thiết bị này kết nối với trạm bờ của Chi cục Thủy sản Kiên Giang 24/24 giờ theo quy định. Cùng đó, điều tra, xác minh, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài hoặc môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép. Bắt buộc chủ tàu cá hoạt động trên biển hoặc thuyền trưởng phải thực hiện ghi nhật ký khai thác, nhật ký tàu dịch vụ hậu cần nghề cá và báo cáo khai thác, dịch vụ theo đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm Nghề cá lớn Kiên Giang, nâng cấp cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành) đáp ứng nhu cầu hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá.
Cùng đó, Tổ công tác 689 tỉnh đã chủ động làm việc với các địa phương trọng điểm để xảy ra tình trạng hoạt động khai thác IUU nhằm cảnh báo và có hướng xử lý, chấn chỉnh kịp thời. Mặt khác, tỉnh đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn, Trạm Biên phòng kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất, nhập bến; kiên quyết không cho ra khơi tàu cá khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ hợp lệ và trang thiết bị theo quy định. Đơn vị nào để xảy ra vi phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan chú trọng tuần tra, kiểm soát xử lý tàu cá vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản, ngăn chặn tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định, tỉnh không dung túng, bao che cho hoạt động khai thác IUU ở các vùng biển trong nước và quốc tế. Tỉnh đã tiến hành thực hiện các giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác IUU của tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trên vùng biển Kiên Giang. Điều này không những thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững mà còn góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế.