Những ngư dân đã ký hợp đồng trước ngày Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực sẽ không thuộc đối tượng được hưởng chính sách tín dụng theo quy định tại Nghị định 67.
Đây là trả lời chính thức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với ý kiến của đông đảo cử tri tỉnh Quảng Bình. Cụ thể, cử tri tỉnh Quảng Bình vừa có ý kiến gửi đến Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, đề nghị xem xét giảm lãi suất và tăng thêm thời gian cho vay của các nguồn vốn vay đóng tàu từng vay trước đây khi chuyển đổi sang đóng tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ.
Trả lời cử tri tình Quảng Bình, NHNN có ý kiến giải đáp cụ thể.
Theo đó, lãnh đạo NHNN đánh giá phát triển kinh tế biển, nâng cao đời sống ngư dân gắn liền với bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo quốc gia là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 9/2/2007 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ 4 (khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, nâng cao đời sống, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo và các chính sách này thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Và nhằm tạo bước đột phá cho ngành thủy sản nói chung và khai thác hải sản xa bờ nói riêng, ngày 7/7/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định 67 với mục tiêu hình thành mới đội tàu công suất lớn, hiện đại, đủ sức vươn khơi xa.
Ngư dân nhiều nơi đang đóng tàu vươn khơi theo Nghị định 67 – Ảnh: Quang Quyết
Ngay sau khi Nghị định 67 có hiệu lực, NHNN đã ban hành Thông tư số 22/2014/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai cho vay; đồng thời tổ chức các hội nghị của ngành tại các địa phương nhằm hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản xa bờ đạt hiệu quả cao, thực sự đi vào cuộc sống.
Thực ra, trước khi Nghị định 67 ra đời, ngư nghiệp là một bộ phận cấu thành trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, do đó là lĩnh vực ưu tiên và được hưởng các chính sách ưu đãi chung cho nông nghiệp, nông thôn như: Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Được hưởng lãi suất cho vay ưu tiên; Được áp dụng các quy định tại Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách tín dụng hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 về một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân; trong đó có hỗ trợ chi phí tiền dầu, bảo hiểm cho ngư dân có tàu tham gia khai thác thủy sản, hỗ trợ thay máy mới đối với tàu có công suất từ 40 CV trở lên; Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 và Quỵết định số 38/2013/QĐ-TTg ngày 26/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, nhằm giảm bớt khó khăn trong quá trình khai thác hải sản trên biển nói chung và hoạt động khai thác xa bờ nói riêng.
Theo NHNN, Nghị định 67 và các văn bản hướng dẫn thực hiện đều có hiệu lực áp dụng từ ngày 25/8/2014 và các văn bản này không có quy định liên quan đến việc các khoản vay của tổ chức, cá nhân đã phát sinh trước ngày hiệu lực của các văn bản. Chủ tàu đóng mới, nâng cấp tàu phải nằm trong danh sách được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Vì vậy, những ngư dân đã ký hợp đồng trước ngày Nghị định 67 có hiệu lực sẽ không thuộc đối tượng được hưởng chính sách tín dụng theo quy định tại Nghị định này.
>> Ngư dân khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng để đóng tàu, mua ngư lưới cụ, trang thiết bị phục vụ đánh bắt hải sản và bảo quản, chế biến được vay tối đa 50 triệu đồng không cần tài sản bảo đảm đối với các cá nhân, hộ dân sản xuất ngư nghiệp; 200 triệu đồng đối với hộ sản xuất, kinh doanh phục vụ nông nghiệp nông thôn; 500 triệu đồng đối với hợp tác xã. Hiện, mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam cho lĩnh vực này là 7%/năm. |