(TSVN) – Sáng 30/3/2022, Tổng cục Thủy sản tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống ngành thủy sản. Dự buổi gặp mặt có ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; Ban Chấp hành Đảng bộ thuộc Tổng cục Thủy sản; lãnh đạo các cục, vụ, viện, đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản; Ban Chấp hành Công đoàn; Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên; và một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản.
Thể theo nguyện vọng của ngành thủy sản và đông đảo bà con ngư dân, ngày 18/3/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 173-TTg chính thức lấy ngày 1/4 là “Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam”. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, 63 năm qua, vượt qua những khó khăn, thách thức, toàn ngành thủy sản đã hăng say sản xuất, bền bỉ phấn đấu, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đưa ngành từ một lĩnh vực sản xuất nhỏ lẻ vươn lên thành một ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng của nền kinh tế quốc dân, đạt tốc độ tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước.
Toàn cảnh buổi gặp nhân kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống ngành thủy sản
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết: “Ba năm vừa qua, lĩnh vực thủy sản liên tục gặt hái được những thành công. Tất cả kế hoạch đặt ra từ lễ kỷ niệm 60 năm đến nay là 63 năm đều đạt kết quả khả quan. Đặc biệt trong năm 2021, kết quả về sản xuất, nhất là xuất khẩu thủy sản đạt 8,9 tỷ USD, đây là dấu mốc mới trong hành trình phát triển thủy sản của Việt Nam trong 63 năm qua. Tuy nhiên cũng có thể thấy, qua quá trình phát triển vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó cần phải khắc phục để đạt được những mục tiêu và kỳ vọng trong thời gian tới”.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân phát biểu tại buổi gặp mặt
“Trong 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của nước ta duy trì tăng trưởng tốt. Tuy nhiên trước mắt vẫn còn vô vàn khó khăn, đại dịch COVID-19 có thể lắng xuống nhưng vẫn còn nhiều thách thức khác, chẳng hạn như chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Nếu cuộc chiến này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung nguyên vật liệu, vận chuyển quốc tế và giá xăng dầu, theo đó sức cạnh tranh của các sản phẩm thủy sản của chúng ta cũng sẽ yếu đi nhiều”, ông Luân cho biết thêm.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản chia sẻ: Công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Áp lực giữa phát triển kinh tế, du lịch và bảo tồn; giữa bảo tồn và sinh kế của cộng đồng ngư dân; nhận thức của chính quyền các cấp và người dân địa phương. Cơ cấu tổ chức, bộ máy các khu bảo tồn biển chưa đồng bộ; số lượng biên chế trên khu bảo tồn biển quá ít, có những khu chỉ có 5 – 7 người; thiếu cán bộ có chuyên môn sâu về sinh học biển và quản lý bảo tồn biển. Nguồn kinh phí đầu tư cho bảo tồn không được ưu tiên, thiếu phương tiện, trang thiết bị đã ảnh hưởng không nhỏ hiệu quả quản lý. Tình hình vi phạm pháp luật trong và xung quanh các khu bảo tồn biển ngày càng tinh vi…
“Chúng tôi đã và đang có những định hướng để đẩy mạnh công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Thứ nhất là để tạo nền tảng cho quy hoạch, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thì sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2020 – 2030, tầm nhìn 2050 trong quý II năm nay. Thứ hai là 2 chương trình, gồm Chương trình quốc gia về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Chương trình điều tra tổng thể nguồn lợi thủy sản. Đây là 2 chương trình lớn mà chúng tôi cũng đã trình rồi, hy vọng trong tháng 4/2022 sẽ được phê duyệt. Ngoài ra còn có nhiều đề án, chương trình khác… đặt nền tảng, tạo không gian cũng như đề ra nhiệm vụ cho chúng ta triển khai trong thời gian tới để thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tốt hơn”, ông Hùng nói thêm.
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác: “Tôi nhận thấy rằng, khai thác là một ngành bảo tồn truyền thống rất cao bởi vì những ngành kinh tế – xã hội khác đều có sự phát triển vượt bậc về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Nhưng đối với ngành khai thác, đến ngày hôm nay tuy đã có sự thay đổi lớn nhưng công nghệ khai thác, công nghệ bảo quản sau thu hoạch vẫn chưa có nhiều sự thay đổi, cho nên tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao. Có một điều cần phải nhận thấy rõ là sự đầu tư không đồng bộ. Không đồng bộ ở đây không phải là số tiền Nhà nước cho ngư dân không đồng bộ mà cái chính là ngư dân khi nhận được kinh phí hỗ trợ nhưng lại không thể ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất. Và với số tiền đầu tư lớn cho vỏ tàu, máy tàu nhưng thiếu hoặc không đầu tư cho công nghệ, thiếu người sử dụng, vận hành công nghệ đó dẫn đến tình trạng chi phí đầu tư lớn, bảo dưỡng lớn, vận hành lớn, nhưng năng suất, chất lượng không có sự thay đổi, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nghề cá”.
Ông Tuấn nói thêm: “Những quy hoạch, chiến lược thì mục tiêu chính mà chúng ta vẫn hướng đến là vẫn là hiện đại hóa tàu cá thì mới đủ năng suất, chất lượng và sản phẩm mới đủ sức cạnh tranh. Như vậy ở đây cái chúng ta đang thiếu không phải là vốn mà là là cán bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, những người định hướng dẫn dắt ngành nghề này. Hiện, Trường Đại học Nha Trang đã phát huy Khoa khai thác là nơi đào tạo nguồn nhân lực. Tôi hy vọng rằng, những ai đang làm trong lĩnh vực khai thác hoặc những người hỗ trợ cho khai thác yêu ngành, yêu nghề, yêu bà con nông dân, yêu cả sự cực khổ của họ… sẽ có nhiều nghiên cứu, đóng góp hơn nữa để làm sao đưa ngành khai thác phát triển bền vững, mang lại những lợi ích thiết thực cho bà con nông ngư dân”.
Tại buổi gặp gỡ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cũng lắng nghe những ý kiến chia sẻ, gửi lời cảm ơn và động viên đến với các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành thủy sản. Tổng cục trưởng Trần Đình Luân nói: “Có đi thì sẽ đến. Chưa đi mà đã sợ không đến được thì đã là thất bại. Trên chặng đường đó có thể sẽ gặp nhiều thất bại, nhưng cứ mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, đương đầu thử thách, thành công ắt sẽ đến”.
Hồng Thắm