Ngành thủy sản đi đầu trong chuyển đổi xanh Thủy sản là một trong những ngành hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực, có năng lực cạnh tranh cao, đi đầu trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam. Dư địa để phát triển còn rất lớn, bởi theo FAO, ước tính thị trường cho thủy sản toàn cầu là gần 180 tỷ USD và duy trì tốc độ tăng trưởng rất khả quan. Do đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đặt mục tiêu xa hơn, không chỉ là 10 tỷ USD. Vấn đề cấp bách hiện nay là biến mong muốn, tầm nhìn thành những kế hoạch, hành động cụ thể; biến các ý tưởng, sáng kiến thành nguồn lực; biến những cam kết hợp tác thành những kết quả, sản phẩm cụ thể. Đứng trước xu thế phát triển ngành thủy sản xanh, bền vững trên thế giới hiện nay, Việt Nam cũng cần nhanh chóng thích nghi, chuyển đổi để bắt kịp thời cơ. Yêu cầu đặt ra là làm sao để phát triển công nghệ nuôi trồng hiện đại, giảm tác động tới môi trường, bảo vệ hệ sinh thái biển, áp dụng công nghệ sinh học để cải thiện giống thủy sản; làm sao để đa dạng hóa sản phẩm thủy sản, nhất là các sản phẩm thủy sản sạch, hữu cơ để thâm nhập các thị trường cao cấp; cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số và thương mại điện tử đối với các sản phẩm nông sản nói chung và thủy sản nói riêng.
Bà Nguyễn Minh Hằng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Chúng ta đã tổ chức sản xuất ngày càng tốt hơn 2024 là năm có bước tiến ngoạn mục trong xuất khẩu thủy sản, dự báo kim ngạch đạt 10 tỷ USD. Đấy là một trong những tín hiệu rất tốt, một trong những điều giúp cho người nuôi, các doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng thủy sản thêm tự tin về sự phục hồi của thị trường, không chỉ cho năm 2024 mà những năm tiếp theo. Để đạt được kết quả như thế, các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đều rất nỗ lực, đặc biệt, các doanh nghiệp đã rất linh hoạt. Chúng ta luôn duy trì tốt sản xuất, do vậy, các tháng cuối năm khi tín hiệu thị trường tốt lên, từ sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ NN&PTNT, chúng ta đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo được nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, không chỉ trong nuôi trồng mà cả lĩnh vực khai thác. Có thể nói chúng ta đã tổ chức sản xuất ngày càng tốt hơn. Kết quả này là tiền đề tích cực cho năm 2025 khi mà dự báo nhu cầu sản phẩm thủy sản của thế giới vẫn sẽ tăng. Với sự chỉ đạo kịp thời về mọi mặt, sự thích ứng nhanh và tổ chức gắn kết chặt chẽ trong thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, tin rằng hoạt động sản xuất trong năm 2025 tiếp tục gặt hái được những thành công, tăng trưởng xuất khẩu chắc chắn sẽ đạt.
Ông Trần Đình Luân Cục trưởng Cục Thủy sản
Năm 2025, xuất khẩu thủy sản đặt mục tiêu 10 – 11 tỷ USD Năm 2024, ngành thủy sản Việt Nam đã vượt qua rất nhiều thách thức và đạt được một kết quả ấn tượng, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD. Đây là một thành tựu lớn không chỉ của ngành thủy sản mà còn đóng góp vào kết quả xuất khẩu chung của ngành nông nghiệp, đạt kỷ lục 62 tỷ USD trong năm nay. Các sản phẩm thủy sản Việt Nam đã tiếp cận hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhờ vào chất lượng vượt trội và uy tín của các doanh nghiệp thủy sản. Trong năm 2025, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với mục tiêu đạt từ 10 – 11 tỷ USD. Ngành thủy sản có nhiều cơ hội nhờ vào các Hiệp định FTA và nhu cầu tiêu thụ gia tăng tại các thị trường lớn. Tuy nhiên, các thách thức vẫn sẽ tồn tại, bao gồm sự cạnh tranh từ các quốc gia khác, các quy định nghiêm ngặt về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như những biến động về giá nguyên liệu và chi phí sản xuất. Những biến động địa chính trị, chiến tranh thương mại trên toàn cầu có thể mang tới cả cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Ông Trương Đình Hòe Tổng Thư ký VASEP
Tăng cường xúc tiến thương mại về thủy sản để tạo thương hiệu mạnh Ngành thủy sản trải qua một năm 2024 thành công cả về sản xuất trong nước và xuất khẩu, bất chấp khó khăn từ nhiều phía như xung đột tại nhiều khu vực trên thế giới, chi phí vận chuyển tăng cao… Năm 2025 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế thế giới chưa thực sự khởi sắc, cạnh tranh tại các thị trường vẫn rất gay gắt… Để có thể duy trì “phong độ” như năm 2024, ngành thủy sản cần phải duy trì các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và cố gắng mở rộng ra các thị trường tiềm năng như châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông. Cùng với đó, tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu khai thác, chế biến thủy sản theo hướng kinh tế tuần hoàn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trên toàn thế giới. Ở góc độ quản lý, Nhà nước cần gia tăng đầu tư về vốn cho ngành thủy sản nói chung để có thể hiện đại hóa nghề cá, tổ chức sản xuất theo quy mô lớn mới dễ dàng gắn kết, hợp tác để sản xuất gia tăng chuỗi giá trị thủy sản. Tăng cường hợp tác quốc tế nghề cá, cả về khai thác, chế biến, tiêu thụ và cả trong bảo vệ nguồn lợi chung của khu vực. Tăng cường hơn nữa xúc tiến thương mại về thủy sản để tạo thương hiệu mạnh cho xuất thủy sản Việt Nam, nhất là thị trường ASEAN và các thị trường lân cận bởi theo dự báo, giá cước vận tải biển có khả năng tăng từ 5 – 10% vào năm 2025.