(TSVN) – Trước những đòi hỏi khắt khe của thị trường về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả cạnh tranh, ngành cá tra đang chú trọng cải thiện chuỗi sản xuất nuôi trồng và chế biến phục vụ xuất khẩu.
Tại Hội nghị đánh giá tình hình ngành cá tra năm 2023 và phương hướng, kế hoạch năm 2024 tổ chức ở Đồng Tháp ngày 10/11, các đại biểu đều thận thấy xu hướng thị trường xuất khẩu cá tra trong thời gian tới sẽ đi theo xu hướng chung của thị trường toàn cầu như tiêu dùng thay đổi, ưu tiên sản phẩm tiện lợi, giá cả hợp lý; giữ vững thị trường truyền thống, củng cố sức mạnh thương lượng của ngành cá tra Việt Nam trên trường quốc tế.
Cần thêm nhiều giải pháp để mở rộng thị phần xuất khẩu cho cá tra Việt Nam. Ảnh: LHV
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp ngành cá tra vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường xuất khẩu trong thời gian tới. Theo phân tích của các đại biểu tham dự Hội nghị, có thể hết tháng 11 qua tháng 12 sẽ có tín hiệu tốt từ thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, thị trường lớn thứ 2 của ngành cá tra Việt Nam là Mỹ, khoảng đầu tháng 2 đến tháng 4 hàng năm là mùa hội Len ở thị trường này – cũng là thời gian tập trung nhập khẩu sản phẩm thủy sản trong đó chủ đạo là cá tra.
Cá tra là mặt hàng thế mạnh từ lâu của nước ta, do đó, việc phát triển bền vững là yếu tố tiên quyết. Khó khăn là dĩ nhiên nhưng không vì thế mà các doanh nghiệp nản lòng. Các hiệp hội, địa phương và bộ, ngành nên cùng nhau nhìn nhận thực tế, tìm cách tháo gỡ. Trước hết, cá tra Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Để giải quyết những bất cập nội tại cũng như khách quan của ngành cá tra, hỗ trợ tận dụng tốt thời cơ, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra kiến nghị, cần hình thành những vùng sản xuất giống cá tra tập trung; thực hiện theo các quy định về việc giám sát bệnh, giám sát dư lượng quốc gia cho nguyên liệu đầu vào; có chính sách bình ổn giá thức ăn, ổn định giá thành sản xuất; áp dụng tiêu chuẩn trong nuôi GlobalGAP, ASC, BAP, VietGAP…
Lãnh đạo Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, sẽ kiến nghị Bộ NN&PTNT có các giải pháp hỗ trợ ngành cá tra. Trong năm 2024, Hiệp hội sẽ đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao khoa học phát triển giống cá tra, xây dựng cơ sở hạ tầng logistics, củng cố hoạt động dịch vụ xuất nhập khẩu về dài hạn; vận động nông hộ tham gia liên kết tạo nên sức mạnh và ổn định chất lượng cho ngành hàng. Mặt khác, kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành như Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh triển khai và có đủ nguồn lực để đảm bảo sản xuất con giống đạt tiêu chuẩn cho chuỗi cung ứng cá tra của ĐBSCL.
Ông Dương Quốc Nghĩa
CHỦ TỊCH HIỆP HỘI CÁ TRA VIỆT NAM
Cá tra Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường chính gồm: Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nam Mỹ… Hiện, cơ cấu thị trường xuất khẩu đã thay đổi, với xu thế chuyển dịch sang thị trường Trung Quốc, từ 11% năm 2015, đến năm 2022 khoảng 29%; thị trường EU, đạt 18% năm 2015, nhưng năm 2022 con số này giảm còn khoảng 9%; thị trường Mỹ tương đối ổn định, trung bình chiếm khoảng 20%.
Tính đến 31/10/2023, diện tích nuôi mới cá tra là 5.319 ha (tăng 85,36% so với cùng kỳ năm 2022), diện tích thu hoạch đạt 3.663 ha (tăng 34,4%), sản lượng đạt 1.336.346 tấn (tăng 61,29%), năng suất trung bình đạt 365 tấn/ha (cùng kỳ năm 2022 là 291 tấn/ha). Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra đến ngày 15/10/2023 đạt 1,434 tỷ USD; trong đó, thị trường Trung Quốc đứng đầu, thứ 2 là thị trường Mỹ, thứ 3 là CPTPP, thứ 4 là EU.
Hải Lý