Trong năm vừa qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề thẻ vàng từ Ủy ban châu Âu hồi tháng 10/2017 vì vi phạm các quy định về đánh bắt không khai báo, không theo quy định và không được quản lý (IUU), nhưng thủy sản Việt Nam vẫn đạt 8,317 tỷ USD, điều này chứng tỏ sự vươn lên mạnh mẽ của ngành Thủy sản Việt Nam.
Ảnh minh họa
Tiếp đà tăng trưởng này, năm 2018, ngành thủy sản tự tin sẽ tiếp tục vượt qua những thách thức, tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường, đưa hàng thủy sản xuất khẩu bứt phá đạt con số 9 tỷ USD.
Khởi đầu với lô hàng hơn nửa tỷ USD
Trong năm 2017, dù gặp nhiều khó khăn như thiên tai, các rào cản như thuế chống bán phá giá tôm, cá tra ở mức cao, chất lượng con giống, thẻ vàng IUU của EC, vùng an toàn dịch bệnh chưa được mở rộng, nuôi quảng canh trên diện tích lớn chưa phát triển và áp lực cạnh tranh nguyên liệu, các rào cản kỹ thuật của các nhà nhập khẩu… nhưng các doanh nghiệp đã đoàn kết để tìm hướng đi, chinh phục thị trường cho từng ngành hàng cụ thể và đã cán đích ngoạn mục, đạt con số kim ngạch xuất khẩu kỷ lục hơn 8,3 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với năm 2016. Giá trị sản xuất và sản lượng đều tăng góp phần đưa thủy sản xếp vị trí cao nhất trong những ngành xuất khẩu của nông nghiệp trong năm qua.
Kết quả này đã đóng góp lớn vào thành tích xuất khẩu của cả ngành nông nghiệp trong năm 2017 với kỷ lục 36,37 tỷ USD. Có thể nói, trong năm qua, ngành thủy sản đã có sự vươn lên mạnh mẽ qua đó khẳng định tiềm năng, vị thế của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tiếp sự bứt phá ngoạn mục đó, mở màn đầu năm nay, ngày 14/1/2018, một lô hàng thủy sản xuất khẩu trị giá hơn nửa tỷ USD qua cảng Cát Lái đã được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn lần đầu tiên tổ chức lễ phát lệnh xuất cảng. Lô hàng xuất khẩu gồm 3 contailer, trị giá gần nửa tỷ USD. Trong đó, 1 container tôm đông lạnh 20 tấn, trị giá hơn 290.000 USD xuất khẩu đi Canada, 1 container cá biển 20 tấn xuất khẩu sang thị trường Mỹ với trị giá hơn 216.000 USD và 1 container cá tra phi lê 22 tấn trị giá hơn 84.000 USD xuất sang thị trường EU. Tổng cộng trị giá lô hàng xuất khẩu thủy sản đầu năm trên 590.000 USD, tương đương gần 13,4 tỷ đồng.
Nhắm mục tiêu 9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu
Dựa trên những kết quả đã đạt được trong năm 2017, theo Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai, ngành thủy sản hoàn toàn có cơ sở để đạt được con số 9 tỷ USD xuất khẩu thủy sản trong năm 2018. Năm 2018, ngành sẽ tiếp tục phát huy lợi thế về tôm và cá tra, trong đó ưu tiên các mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao, đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, nhiệm vụ năm 2018 của ngành thủy sản là rất nặng nề, để đạt mục tiêu xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đạt mục tiêu 40 tỷ USD trong năm nay, ngành thủy sản cần phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD.
Do đó, những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành thủy sản cần triển khai ngay là tập trung phát triển sản xuất ngay những tháng đầu năm cùng đó xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản sửa đổi, tăng cường thanh tra đột xuất vật tư đầu vào. Về khai thác thủy sản, trong thời gian tới phải gia tăng được giá trị của sản phẩm góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững. Để làm được điều này, ngành thủy sản phải tập trung vào các khâu bảo quản, chế biến để gia tăng giá trị, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp. Đối với con tôm cần đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học – công nghệ để gia tăng sản lượng, chất lượng tôm nuôi công nghiệp, nuôi tôm sú quảng canh. Đối với cá tra tập trung vào 2 khâu chính: con giống và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Song song với đó, cần tập trung tháo gỡ rào cản về thị trường, thương mại. Thứ trưởng nhấn mạnh, phải khẩn trương quyết liệt triển khai các giải pháp theo khuyến nghị của châu Âu (EU), để từ đó EU có ghi nhận và tháo gỡ thẻ vàng. Ngoài ra, cũng cần tiếp tục hỗ trợ người dân miền Trung khắc phục sự cố môi trường biển và hướng dẫn các địa phương khu vực Nam Trung bộ khắc phục hậu quả thiên tai do mưa, bão cuối năm ngoái sớm ổn định sản xuất và cuộc sống.
Các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản cũng đã đưa ra những nhóm giải pháp cho từng lĩnh vực trong năm 2018, tập trung vào nuôi trồng, khai thác nhằm đảm bảo sản xuất hiệu quả, gia tăng giá trị và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được các đòi hỏi từ thị trường quốc tế. Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cũng cho biết, trong năm 2018 Tổng cục sẽ tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm cùng 18 nhóm giải pháp để ngành thủy sản đạt được mục tiêu đề ra.
Cụ thể, trong nuôi trồng thủy sản: tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; Duy trì ổn định diện tích và sản lượng tôm sú, phát huy lợi thế nuôi tôm sú tại các cùng sinh thái đặc trưng…; Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để chủ động được nguồn cung cấp giống trong nước, đặc biệt là giống tôm nước lợ; Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; Tăng cường tuyên truyền trong triển khai chương trình VietGap, triển khai các mô hình chứng nhận VietGap gắn với nông thôn mới, nuôi thủy đặc sản có tính đặc trưng vùng miền…Tiếp tục tổ chức đoàn công tác truy xuất nguồn gốc tôm bố mẹ tại nước ngoài và các đoàn liên ngành kiểm tra chất lượng giống tại các vùng sản xuất giống trọng điểm; Tham mưu rà soát, bổ sung “Quyết định 57” bổ sung các đối tượng giống thủy sản đã được công nhận…
Với mục tiêu quản lý tốt quy hoạch phát triển tàu cá, tái cơ cấu nghề khai thác; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng giá trị gia tăng sản phẩm khai thác, đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân, Tổng cục Thủy sản xác định nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện Chỉ thị số 689/CT-TTg, Công điện số 732/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; Chỉ thị 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp…; Tham mưu, hướng dẫn kịp thời tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản như Nghị định 67 của Chính phủ, Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ…; Rà soát, bổ sung các quy định quản lý tàu cá đặc biệt là công tác đăng kiểm tàu cá; Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với cảng cá để quản lý thống nhất, đồng bộ; Xây dựng quy trình đầy đủ về công tác xác nhận và chứng nhận thủy sản khai thác trước khi xuất khẩu…; Tiếp tục thực hiện Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ thuộc Đề án 47 và triển khai dự án “Điều tra nguồn lợi thủy sản vùng nội đồng giai đoạn 2018-2020”…
Đối với kiểm ngư, cần khẩn trương đưa 10 tàu kiểm ngư đóng mới, sửa chữa vào hoạt động; hoàn thành việc tuyển dụng và đào tạo thuyền viên tàu kiểm ngư; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng Trạm Kiểm ngư Phú Quốc;
Kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác hải sản ở trong vùng 20 hải lý theo chỉ đạo của Chính phủ tại 4 tỉnh miền Trung; Xây dựng và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình Chính phủ Hệ thống thông tin nghề cá trước mắt đề xuất việc nâng cấp các trạm bờ và duy trì kết nối các Trạm bờ địa phương với Trung ương; tiếp tục chuyển đổi các thiệt bị đầu cuối của Hệ thống giám sát tàu cá Movimar cho các tàu cá thuộc diện đóng mới theo Nghị định số 67 và tàu hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 48;
Thiết lập và vận hành tốt các đường dây nóng giữa Việt Nam và Trung Quốc, Philippines; đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp tác đường dây nóng với Campuchia và Brunei, Indonesia, Thái Lan để góp phần giải quyết nhanh chóng và kịp thời các vấn đề trên biển…