Thủy sản Việt Nam xuất khẩu hiện đứng thứ nhất Đông Nam Á, thứ hai châu Á với công nghệ chế biến hiện đại cho ra sản phẩm đạt chứng nhận ATTP, đủ điều kiện vào các thị trường khó tính. Trong lúc, chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa những năm qua có tăng trưởng nhưng vẫn còn xa mới đáp ứng yêu cầu.
Phát triển số lượng
Thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, từ năm 2001 đến nay, sản phẩm thủy sản qua chế biến tiêu thụ nội địa mỗi năm tăng trưởng bình quân về lượng 10,5%, giá trị 20,1%. Con số cụ thể giai đoạn 2013 – 2017, sản lượng tăng từ 478.000 tấn lên 548.000 tấn, giá trị tăng từ 13.146 tỷ đồng lên 20.321 tỷ đồng.
Sản phẩm chế biến tiêu thụ nội địa ngày càng đa dạng. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, năm 2017: thủy sản đông lạnh chiếm tỷ trọng 36,7%, nước mắm 23,7%, mực khô 10,6%, cá khô 10,4%, tôm khô 7,0%, mắm các loại 6%, các sản phẩm khác 4%, đồ hộp 1,6%. Số lượng cơ sở chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa, thống kê của Sở NN&PTNT các địa phương, cả nước có 3.978 cơ sở, trong đó có 140 doanh nghiệp (chiếm 3,5%) và 3.838 hộ gia đình (chiếm 96,5%).
Quy mô cơ sở chế biến tiêu thụ nội địa, hơn 90% thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; bên cạnh, hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vừa tập trung chế biến xuất khẩu vừa kết hợp dây chuyền sản xuất các mặt hàng tiêu thụ nội địa. Tính cả chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa cùng với chế biến xuất khẩu đã đạt sản lượng một năm trên 4 triệu tấn nguyên liệu, chiếm 70% tổng sản lượng thủy sản.
Kém an toàn thực phẩm
Nghiên cứu mới đây của các chuyên gia ở Đại học Nha Trang cho biết, hạn chế lớn nhất của chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa là chưa kiểm soát được các mối nguy ATTP, còn có sự chênh lệch quá xa về trình độ sản xuất so với chế biến xuất khẩu. Chế biến tiêu thụ nội địa chủ yếu có 4 hình thức và cơ bản còn lạc hậu.
Đứng đầu là sản xuất nước mắm với 1.500 cơ sở. Trong đó có 59 doanh nghiệp (chiếm 4%) và 1.441 cơ sở quy mô hộ gia đình (chiếm 96%). Ngoại trừ một số doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất còn lại thuộc loại doanh nhỏ và siêu nhỏ: Ít lao động, quy trình sản xuất đơn giản, trang thiết bị thô sơ, lao động chủ yếu là thủ công, tổ chức và quản lý mang tính gia đình, không dùng hệ thống quản lý chất lượng hiện đại.
Thủy sản khô thiếu thông tin ATTP đang bày bán la liệt tại các cửa hàng ở ĐBSCL – Ảnh: SN
Thứ hai là số cơ sở thu mua, sơ chế; cả nước có 984 cơ sở, trong đó có 17 doanh nghiệp (chiếm 1,7%) và 967 hộ gia đình (88,3%). Trang thiết bị của cơ sở này chỉ là thùng cách nhiệt, cân, kệ, máy xay đá… Đây cũng là khâu yếu nhất về đảm bảo chất lượng sản phẩm và ATTP.
Thứ ba là cơ sở chế biến hàng khô, cả nước có 841 cơ sở, trong đó có 3 doanh nghiệp (chiếm 0,4%) và 838 cơ sở nhỏ/hộ gia đình (hơn 99%). Các cơ sở chế biến cá khô hấp sử dụng lò luộc, hấp bằng củi, than. Điều kiện xử lý cá, ướp muối, rửa và hấp cá không đảm bảo vệ sinh, không xử lý nước thải nên gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Cuối cùng là chế biến thủy sản đông lạnh, có 103 cơ sở, gồm 33 doanh nghiệp (chiếm 32%) và 70 cơ sở nhỏ/hộ gia đình (68%). Một số doanh nghiệp không chỉ chế biến tiêu thụ nội địa mà còn là cơ sở cấp đông để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Ngược lại, một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng tham gia sản xuất hàng nội địa. Các cơ sở đông lạnh thủy sản nhỏ có các đặc tính chung là chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng và ATTP.
>> Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đề xuất, giai đoạn 2020 – 2025 triển khai xây dựng thí điểm Trung tâm cung ứng nông sản hiện đại tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Trung tâm thu gom thủy sản tại Vũng Tàu, Kiên Giang và Trung tâm cung ứng nông sản đường biên tại Quảng Ninh. Đến giai đoạn 2025 – 2030, sẽ triển khai xây dựng các trung tâm cung ứng nông sản hiện đại ở các địa phương trên cả nước. |
Thanh Hải