Núi Thành là địa phương triển khai nhiều dự án đóng tàu theo Nghị định 67 nhiều nhất của tỉnh Quảng Nam. Cho đến nay, các tàu cá được đóng từ nguồn hỗ trợ này đang hoạt động hiệu quả, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng sau mỗi chuyến biển.
Sau mỗi chuyến vươn khơi trong vòng 1 tháng, tàu cá của ông Khôi lãi gần 200 triệu đồng
“Tàu 67” phát huy lợi thế
Trong 92 dự án đóng tàu theo Nghị định 67 của tỉnh Quảng Nam thì riêng huyện Núi Thành được bố trí đến 50 dự án. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã thực hiện được 43 dự án với 24 tàu vỏ thép, 19 tàu vỏ gỗ trong đó có 39 tàu khai thác và 4 tàu dịch vụ hậu cần. Tất cả các tàu đều đã đưa vào hoạt động.
Ông Huỳnh Văn Khôi (thôn Đông An, Tam Giang, Núi Thành) chủ “tàu 67” mang số hiệu Qna 91829TS cho biết, vào năm 2016, ông bỏ ra hơn 2 tỷ đồng cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị định 67 để đóng con tàu vỏ thép có giá trị 16 tỷ đồng làm nghề câu mực khơi. Tàu cá của ông Khôi hạ thủy vào đầu năm 2017. Hầu như tất cả những chuyến đi đều có lãi.
“Tàu của tôi có tất cả 15 thuyền viên, mỗi chuyến vươn khơi thường kéo dài trong vòng 1 tháng, sản lượng trung bình đạt trên dưới 4 tấn mực khô. Sau khi trừ tất cả các chi phí thì mỗi thuyền viên cũng có thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng, riêng tôi lãi mỗi chuyến gần 200 triệu đồng. So với tàu gỗ mà tôi sử dụng trước đây thì năng suất cũng như thu nhập tăng lên đến gần 50%”, ông Khôi cho biết.
Con tàu vỏ thép mà ông Khôi đang sở hữu có rất nhiều lợi thế. Đó là an toàn khi sử dụng, dù tàu có gặp sóng to, gió lớn cũng ít khi xảy ra hiện tượng rung lắc, gây khó khăn cho việc sinh hoạt của các thuyền viên. Thứ nữa là nếu như tàu gỗ gặp gió từ cấp 7 trở lên phải vào trú tránh thì với cấp gió này, tàu vỏ thép vẫn có thế đánh bắt bình thường mà không có nhiều lo ngại.
“Thông thường, với tàu gỗ tôi sử dụng trước đây cứ từ tháng 11 – 12, khi thời tiết bất lợi không thể hoạt động khai thác được phải nằm bờ thì tàu vỏ thép này có thể hoạt động được liên tục quanh năm”, ông Khôi nói.
Hiệu quả khai thác tăng
Không riêng gì ông Khôi mà nhiều “tàu 67” khác tại Tam Giang cũng đang hoạt động đánh bắt rất hiệu quả. Ông Phạm Văn Châu, Phó Chủ tịch xã Tam Giang cho biết, toàn xã có 21 tàu đóng theo Nghị định 67 trong đó có 14 tàu vỏ thép, công suất từ 800 – 900CV. Cho đến nay, các tàu cá đều hoạt động ổn định.
“Trên địa bàn xã, các “tàu 67” đang hoạt động với 2 loại nghề chủ yếu là nghề câu mực khơi và nghề màn chụp. Các tàu hoạt động rất hiệu quả đặc biệt là các tàu vỏ thép làm nghề màn chụp với năng suất tăng trung bình từ 20 – 30%. Sau mỗi chuyến biển, các tàu này đều thu được từ 500 – 600 triệu đồng, có tàu đạt 800 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả các chi phí thì chủ tàu lãi từ 200 – 300 triệu đồng”, ông Châu nói.
Các “tàu 67” làm dịch vụ hậu cần ở Núi Thành cũng đạt những thành quả như ý
Giống như các “tàu 67” khai thác ở Núi Thành, các tàu dịch vụ hậu cần đóng theo Nghị định 67 tại đây cũng đưa lại cho ngư dân những kết quả như mong đợi. Gặp chúng tôi trong lúc đang chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết cho chuyến ra khơi lần thứ 8 kể từ ngày hạ thủy, ông Đinh Văn Tăng (thôn 1, xã Tam Quang, Núi Thành) vui vẻ cho biết, “tàu 67” mang số hiệu Qna 91767TS có công suất 900CV do ông làm chủ đã hoạt động được 1 năm nay. Ngoài việc tàu hoạt động rất ổn định thì các trang thiết bị trên tàu phục vụ cho công tác hậu cần đều rất đảm bảo.
“Với hệ thống hầm bảo quản bằng composite hiện đại nên các sản phẩm đánh bắt luôn đảm bảo độ tươi, dù để trong hầm 10 ngày cũng giống như mới đánh bắt 2 ngày, bán rất được giá”, ông Tăng cho biết.
Đánh giá về “tàu 67” trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch huyện Núi Thành cho rằng, nhìn chung tại địa phương các “tàu 67” đang hoạt động tương đối tốt, chưa xảy ra sự cố gì về máy móc kỹ thuật khiến ngư dân phàn nàn. Sở dĩ có được điều này là trước khi tiếp nhận dự án, chính quyền huyện đã nhiều lần tổ chức họp dân với những người có nhu cầu đóng tàu theo Nghị định 67 để quán triệt tư tưởng.
“Chúng tôi yêu cầu người dân phải xác định con tàu đó là tài sản của mình, là người chịu trách nhiệm pháp lý với ngân hàng, Nhà nước chỉ hỗ trợ về mặt lãi suất. Cho nên không có chuyện người dân thông đồng với nhà máy đóng tàu để nâng giá thành lên và giảm chất lượng xuống. Nhìn chung chất lượng tàu của Núi Thành cơ bản tốt”, ông Thịnh nói.